Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Thử và sai và tiếp tục  | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 09, 2021
Sáng TạoTruyền Thông

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Thử và sai và tiếp tục 

“Viết lách giống như đánh tennis, tập yoga vậy. Nó là sự luyện tập mỗi ngày.”
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Thử và sai và tiếp tục 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.

(Bài phỏng vấn Tiến sĩ, tác giả sách Đặng Hoàng Giang được recap từ podcast Have a Sip - Uống gì không của Vietcetera, dẫn dắt bởi host Thùy Minh)

Đặng Hoàng Giang là một "ca" đặc biệt của ngành xuất bản Việt Nam. Anh được đón nhận nồng nhiệt ngay từ cuốn sách đầu tay Bức xúc không làm ta vô can. Sau đó, anh lần lượt ra mắt những cuốn sách với chủ đề và phương pháp tiếp cận khác nhau.

Dù viết về mạng xã hội hay cái chết, thế giới hậu tuổi thơ hay bệnh trầm cảm, mỗi câu chuyện mà Đặng Hoàng Giang kể ra đều cho thấy thái độ quyết liệt nhưng cũng đầy sự chia sẻ. Không chỉ nhân vật, độc giả, chính tác giả cũng cảm thấy hạnh phúc và được “cứu rỗi" bởi chính những dòng viết này.

Nhân sự kiện ra mắt cuốn sách Đại dương đen, Vietcetera đã có cơ hội trò chuyện để hiểu hơn hành trình đến với công việc viết lách của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.

Người viết thường gắn chặt với cà phê hoặc một loại đồ uống nào đó, với anh điều này có đúng?

Tôi cho rằng đó chỉ là một cái cớ; và cái cớ người ta hay sử dụng đấy chính là chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê.

Đó là sự ngụy biện. Dù bạn làm nghề kế toán hay đang đứng bếp, bạn uống loại nước nào cũng được. Không có điều gì cao siêu trong chuyện chọn loại đồ uống và viết lách cả, với tôi là như vậy.

Anh có suy nghĩ phải viết bao nhiêu tiếng trong một ngày?

Tôi cố gắng tạo cho mình một nhịp điệu trong công việc hàng ngày. Tôi xem việc viết là công việc chủ đạo và biến nó trở thành thói quen.

Tiến sĩ, tác giả sách Đặng Hoàng Giang.

Viết lách cũng như việc đến văn phòng và ngồi xuống bàn làm việc. Đôi khi điều này diễn ra khá buồn tẻ. Tuy nhiên, tôi nghĩ viết lách không nên chờ đợi cảm hứng đến, hay nhờ sự xúc động nhất thời, thôi thúc chúng ta ngồi xuống kể lại những điều đang tràn trề trong đầu.

Viết lách giống như đánh tennis hay luyện tập yoga vậy. Nó là sự rèn luyện về thói quen mỗi ngày.

Tiến sĩ ngành tin học như anh thì thiết lập được cách viết khoa học và rõ ràng hơn người viết khác?

Tôi nghĩ nên gọi đó là cách viết có kỷ luật. Theo như tôi được biết, những người xem việc viết như là nghề kiếm sống, họ đều làm việc rất kỷ luật. Trở lại với bản thân, tôi nghĩ việc viết kỷ luật không liên quan gì đến việc tôi từng làm trong ngành kỹ thuật.

Cuốn sách “debut” của anh, Bức xúc không làm ta vô can rất thành công. Lúc đó, anh đã áp dụng cách viết kỷ luật này?

Tôi không dự đoán được cuốn sách đầu tay của mình sẽ tạo ra sự ảnh hưởng lớn như thế. Tôi cũng không hình dung được mức độ nổi tiếng hay cuốn sách có chỗ đứng trong lòng độc giả.

Cuốn sách được bắt đầu từ một số bài báo tôi đã viết trước đó. Tôi nghĩ rằng mình có thể viết nhiều bài báo ở nhiều chủ đề khác nhau, với dung lượng dài hơn và tập hợp chúng lại thành một cuốn sách.

Nguồn: levereguo

Tôi lên kế hoạch trong 1 khoảng thời gian cố định, thường là một tháng, sẽ đăng một bài báo mới. Chính điều này cũng đã khiến cho việc viết lách của tôi có kỷ luật hơn.

Kể từ đó, viết lách trở thành công việc chính của anh?

Lúc đó tôi vẫn thực hiện dự án, hoạt động xã hội của các tổ chức phi chính phủ. Tôi xem việc viết lách là một nghề tay trái, một việc làm ngoài giờ. Sau này, viết lách chiếm nhiều thời gian hơn trong công việc cũng như cuộc sống của tôi.

Anh hoạch định chủ đề cuốn sách của mình như thế nào?

Tôi không quá quan tâm đến việc xã hội hay độc giả đang muốn đọc điều gì. Tôi tìm ý tưởng mới thông qua nhu cầu của bản thân: Tôi muốn hiểu biết hơn về điều gì? Tôi thực sự quan tâm đến vấn đề nào?

Những chủ đề như cái chết, hay chấn thương tâm lý của người trẻ, xung đột giữa các thế hệ... không phải là những chủ đề thời thượng. Một vài người ngỡ ngàng và khó hình dung về những chủ đề và câu chuyện mà tôi muốn viết ra, kể lại.

Thiện, ác và chiếc smartphone có chủ đề động chạm tất cả vì mọi người đều sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, tôi muốn bàn nhiều hơn về lòng trắc ẩn, sự thấu cảm, về công lý trong cuốn sách này.

Việc viết của tôi luôn trong hành trình tìm hiểu và khám phá. Tôi không ấn định một thông điệp từ ban đầu và truyền bá, rao giảng như những người truyền đạo.

Đại dương đen là một ví dụ cho việc dù gạt đi tính thời thượng thì chủ đề cuốn sách vẫn tác động đến nhiều người, đặc biệt là khi dịch Covid-19 đang diễn ra?

Tôi nghĩ đây là một sự tình cờ. Cuốn sách khởi sự từ 2, 3 năm trước, khi tôi bắt đầu trò chuyện với các bạn trẻ trong dự án Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Đấy cũng là thời điểm tôi nhận thấy nhiều người bị trầm cảm, có vấn đề sức khỏe tinh thần khác nhưng không nhận được sự giúp đỡ.

Tôi quyết tâm tìm hiểu sâu hơn chủ đề này và theo dõi hành trình của họ trong khoảng hơn 3 năm. Cuốn sách này tình cờ ra mắt trong hoàn cảnh chúng ta đang sống trong thời kỳ khủng hoảng cả mặt vật chất lẫn tinh thần.

Nguồn: Nhã Nam

Thực tế, những chủ đề mà tôi quan tâm từ trước đến nay đều không bao giờ cũ, thay vào đó, vĩnh cửu. Từ xung đột thế hệ giữa bố mẹ và con cái, vấn đề công lý, cái chết, trầm cảm. Các chủ đề luôn ở đó, chúng ta có muốn dấn thân và truyền tải câu chuyện như thế nào mà thôi?

Những cuốn sách gần đây của anh đều tiếp cận dưới phương pháp phỏng vấn trường hợp, khác với phương pháp mà anh áp dụng trong 2 cuốn sách đầu?

Hai cuốn sách đầu của tôi là những tác phẩm bàn giấy. Tôi ngồi xuống ghế, nghiên cứu, chiêm nghiệm và viết ra. Quá trình viết hai cuốn này nằm trong tầm kiểm soát của tôi; và tôi có thể viết như thế đến cuối đời.

Nhưng tôi muốn dẫn thân vào các câu chuyện khác, phương pháp khác. Tôi muốn đi ra ngoài đời, gặp một ai đấy và mất kiểm soát hoặc gặp rủi ro trong quá trình thu thập tư liệu, viết lách. 3 cuốn sách gần đây của tôi được viết dưới phương pháp phi hư cấu có tính kể chuyện. Đây là một dạng phóng sự báo chí nhưng được viết dựa trên kỹ thuật của văn chương.

Đối với anh, đâu là phần khó nhất trong quá trình tiếp cận, trò chuyện và viết lại thành sách?

Khó khăn, mệt, căng thẳng là những trạng thái cảm xúc tôi trải qua khi hoàn thành 3 cuốn sách gần đây. Tôi nghĩ tất cả các bước để thực hiện đều có những thách thức rất lớn.

Tôi phải tiếp cận nhân vật, khiến họ an tâm mà chia sẻ những điều không thể kể với bất cứ một ai. Tiếp đó, tôi tự đặt ra câu hỏi: ứng xử như thế nào trước câu chuyện này?

Giai đoạn viết cũng thách thức không kém. Tôi chỉ viết ra 5 nghìn từ trong câu chuyện dài cả 100 nghìn từ mà nhân vật đã kể lại. Quan trọng hơn, 5 nghìn từ đó phải là của tôi viết ra. Nó phải phản ánh được tư duy, phong cách của tôi đồng thời thể hiện được thế giới của nhân vật.

Tác giả Đặng Hoàng Giang ký tặng sách cho độc giả.

Có những giây phút hay khoảnh khắc tôi nghĩ mình đã thất bại khi viết những cuốn sách này. Cũng có lúc lúc tôi nghi ngờ bản thân và có ý định quay lại viết những cuốn sách theo phương pháp cũ.

Bây giờ tôi đã biết cách để tiếp cận và trò chuyện với nhân vật. Tuy nhiên, tôi vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý nguồn tư liệu khổng lồ mà mình thu thập được. Ngay từ những câu chuyện đầu tiên của cuốn sách Đại dương đen tôi đã viết đến 7, 8 phiên bản khác nhau vì cảm thấy không hài lòng.

Điều gì khiến anh trở thành người mà nhân vật có thể chia sẻ những câu chuyện khó nói?

Trò chuyện với các nhân vật giống như việc bạn lên một chuyến xe buýt có hành trình dài. Bản thân sự xa lạ có thể khiến nhân vật dễ chia sẻ hơn. Bên cạnh đó, việc đặt thứ bậc ngang hàng trong cuộc trò chuyện cũng khiến các nhân vật dễ dàng bày tỏ. Ở những cuốn sách đầu tiên, họ không biết tôi là ai cả nên cách thực hiện dễ dàng hơn.

Tôi nghĩ mình có mối quan tâm của một nhà khảo cổ học đối với các nhân vật của mình. Việc quan tâm đến các tiểu tiết cũng có thể khiến các nhân vật cảm động, khiến họ cảm thấy được quan tâm, muốn quay lại quãng đời trước kia.

Ngoài ra, người phỏng vấn cần cho nhân vật thấy thái độ không phán xét, tôn trọng. Nếu không làm được điều này người được phỏng vấn sẽ không chia sẻ những câu chuyện từ ruột gan mình. Đây chính là sự “tò mò tôn trọng” mà tôi đã từng nói đến.

Cảm xúc của anh khi trò chuyện với các nhân vật như thế nào?

Có rất nhiều cảm xúc và cảm giác khác nhau trong quá trình ngồi lại trò chuyện với nhân vật. Tôi cùng sống với cảm xúc của nhân vật, khi đau đớn, lúc lại tức giận, cũng có khi tuyệt vọng.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải giữ khoảng cách nhất định và quan sát quang cảnh nội tâm bản thân để không bị cuốn vào thế giới của nhân vật. Cuối cùng, tôi nghĩ đây cũng chỉ là một công việc của mình.

Trong quá trình thực hiện cuốn sách, có nhân vật nào anh quan tâm hay ấn tượng hơn những nhân vật còn lại?

Cảm giác khủng khiếp nhất của những người trầm cảm chính là bị gạt ra ngoài cộng đồng; hay không được phép trở thành phiên bản mà họ nghĩ mình là tốt nhất, có ích nhất. Họ vật lộn để sống một cuộc sống bình thường.

Những nhân vật tôi tiếp xúc đều là những người thú vị. Họ là con người. Họ có những điểm yếu, có lúc độc ác, ích kỷ. Nhưng tất cả những nhân vật tôi tiếp xúc họ đều khao khát được sống, được hạnh phúc. Họ muốn được đóng góp cho gia đình, cộng đồng thay vì chỉ là một gánh nặng.

Tranh minh họa một câu chuyện trong cuốn sách Đại dương đen | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Tôi đã tiếp cận 50, 60 nhân vật khác nhau nhưng cuối cùng chọn ra 12 nhân vật xuất hiện trong sách. Có thể họ là người biết cách kể chuyện; hoặc những câu chuyện của họ dữ dội hơn so với những người còn lại.

Dù nhiều nhân và câu chuyện của họ không xuất hiện trong sách nhưng tôi vẫn biết ơn vì họ đã dũng cảm nói ra câu chuyện của mình với một người xa lạ.

Anh có bao giờ chia sẻ những câu chuyện ở dạng bản thảo cho nhân vật của mình?

Tôi luôn chia sẻ với nhân vật về đầu ra của cuốn sách. Tôi không phải là người viết hộ hay chắp bút câu chuyện của họ. Tôi thu thập tư liệu nhưng câu chuyện cuối cùng sẽ phản ánh góc nhìn và cách hiểu của bản thân tôi. Và họ chấp nhận điều đó.

Anh nhận được phản hồi như thế nào từ các nhân vật sau khi cuốn sách ra mắt?

Với tình hình như hiện nay, sách chưa thể đến tay với nhiều độc giả cũng như các nhân vật trong cuốn sách. Tuy nhiên, một vài câu chuyện của Đại dương đen đã từng được đăng tải trên Vietcetera. Họ phản ứng khá tích cực và thú vị về những câu chuyện được viết ra.

Cũng giống như các nhân vật trong cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, một số người đã đọc và đã khóc, thầm mừng vui hay có chút gì đó tự hào vì câu chuyện của họ đã được kể ra, được biết đến.

Vậy hạnh phúc của một người viết với anh là gì?

Tuần trước tôi có gọi điện cho ông Thạch, một nhân vật trong cuốn sách Đại dương đen. Tôi rất vui và cảm động khi ông nhớ tôi là ai? Chính cuộc trò chuyện này cho tôi thấy rằng những chao đảo trong đời sống thời kỳ dịch bệnh Covid19 chỉ là một phần nhỏ xảy ra trong đời.

Thông qua trò chuyện và viết lách, tôi nghĩ mình đã và đang giúp đỡ một ai đấy; trao cho họ một trải nghiệm khá đặc biệt thông qua việc được lắng nghe.

Tôi không giúp được họ nhiều. Tôi không thể khiến họ giàu có lên hay cho họ tiền mua thuốc chữa bệnh. Điều mà tôi có thể mang lại cho họ chính là sự lắng nghe, đem lại phần nào đó cảm giác họ là người có giá trị trong đời sống.

Cuốn sách tiếp theo của anh sẽ là?

Khi bước vào một dự án, tôi thường huy động 150% đến 200% công suất của mình trong nhiều tháng. Sau khi hoàn thành, tôi thường rơi vào một hố đen và không biết làm gì tiếp theo.

Khi kết thúc một dự án tôi thường rơi vào cảm giác khủng hoảng tâm lý một thời gian. Tôi sẽ đặt ra một loạt các câu hỏi: Mình có viết tiếp hay không? Mình sẽ viết điều gì tiếp theo? Đây là một quá trình vật lộn và vất vả.

Sau khi hoàn thành cuốn sách Đại dương đen tôi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tôi nghĩ đây là quá trình thử và sai và tiếp tục.