Tom Cruise và “nhiệm vụ cứu nguy" bom tấn phim hè | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 07, 2023
Sáng TạoĐiện Ảnh

Tom Cruise và “nhiệm vụ cứu nguy" bom tấn phim hè

Hai mùa phim Hè liên tiếp, Tom Cruise trở thành “cứu tinh” của Hollywood với Top Gun: Maverick và Mission:Impossible – Dead Reckoning Part I.
Tom Cruise và “nhiệm vụ cứu nguy" bom tấn phim hè

Nguồn: Mission: Impossible Dead Reckoning Part I

Sự thoái trào là điều có thể nhận thấy khi các bộ phim bom tấn (blockbuster) của Hollywood ngày càng sụt giảm doanh thu, ngay cả những bộ phim siêu anh hùng của Marvel hay DC. Đến mức, mùa phim Hè 2023 chưa có phim nào vượt qua được mốc 1 tỷ USD doanh thu toàn cầu và nhiều bom tấn đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng.

Tờ The Guardian của Anh chơi chữ khi dùng từ “flopbuster” để chỉ sự thất bại và thoái trào của bom tấn Hollywood. Nhưng cái gì cũng có trường hợp ngoại lệ; và tài tử Tom Cruise chính là một trong số đó.

“Điệp vụ cứu nguy" bom tấn mùa hè

Và người “cứu nguy” cho Hollywood hai mùa phim Hè liên tiếp chính là Tom Cruise. Hè năm ngoái, Top Gun: Maverick, phần tiếp theo ra mắt sau 36 năm đạt doanh thu lên đến 1,496 tỷ USD toàn cầu, trở thành phim ăn khách nhất trong sự nghiệp của Tom Cruise. Còn với Mission: Impossible – Dead Reckoning (Part I) ra mắt toàn cầu từ tuần này, phần 7 của loạt phim thương hiệu này cũng có thể chạm mốc 1 tỷ USD và trở thành phần phim ăn khách nhất của loạt phim này.

Mission: Impossible – Dead Reckoning (Part I) đạt số điểm gần như tuyệt đối trên Rotten Tomatoes (98%) cùng những lời tán thưởng của giới chuyên môn và sự phấn khích của khán giả. Với những pha hành động ngày càng điên rồ của điệp viên Ethan Hunt, Tom Cruise trở thành ngôi sao duy nhất của Hollywood giữ được phong độ đỉnh cao sau 4 thập niên hoạt động không mệt mỏi.

alt
Tài tử Tom Cruise trên phim trường M:I 7 | Nguồn: Getty Images/ROMA/MEGA/GC Images

Trong sự nghiệp trải dài hơn 4 thập kỷ của mình, Tom Cruise có vô số bộ phim ăn khách với tổng doanh thu toàn cầu lên đến 11,5 tỷ USD. Và đóng góp gần 1/3 trong số đó là loạt phim hành động hình sự Misson: Impossible (M:I) với 6 phần đã ra mắt mang về tổng doanh thu 3,5 tỷ USD, trở thành một trong những loạt phim thương hiệu ăn khách nhất mọi thời đại và cũng là một trong ít loạt phim hành động hay nhất cho đến nay.

Mission: Impossible phần đầu tiên ra mắt vào năm 1996, lúc sự nghiệp của Tom Cruise đang ở trên đỉnh cao. Được kế thừa từ loạt phim truyền hình cùng tên ra mắt trong thập niên 60, bộ phim hành động, hình sự này theo chân một nhóm điệp viên của IMF, mà kẻ giữ vai trò quan trọng nhất là điệp viên Ethan Hunt. Anh thường phải thực hiện những nhiệm vụ được xem là bất khả thi nhằm ngăn chặn các thế lực thù địch đang âm mưu thôn tính hoặc gây ra các thảm họa toàn cầu.

Khía cạnh mang tính biểu tượng nhất của loạt phim hành động này là sự góp mặt của ngôi sao Tom Cruise trong vai đặc vụ IMF Ethan Hunt. Không quá phô trương vẻ ngoài lẫn công nghệ như gã điệp viên Ăng-lê James Bond đã nổi danh từ lâu, cũng không quá thô ráp như Jason Bourne ra đời sau đó, Ethan Hunt dường như là phép cộng của cả hai và là một sự lựa chọn hoàn hảo cho Tom Cruise. Và hoàn hảo, nên không có sự thay thế, điều mà hai gã điệp viên nói trên đều không thể làm được.

alt
Nguồn: Phim Mission: Impossible – Dead Reckoning (Part I)

Và sức hấp dẫn lớn nhất của loạt phim này luôn bắt nguồn từ việc Tom Cruise luôn sẵn sàng thực hiện các pha hành động nguy hiểm của riêng mình mà không cần diễn viên đóng thế. Càng về sau, mức độ “chịu chơi” của Tom Cruise càng tăng lên, như việc nhảy qua hai tòa nhà, leo lên tòa nhà cao nhất thế giới, nhảy ra khỏi máy bay và ở phần mới nhất là lái mô tô rồi bay xuống từ một ngọn núi.

“Nhiệm vụ bất khả thi” khả thi còn là bởi…

Ngoài sức hút ngôi sao không thể chối cãi của Tom Cruise, linh hồn của loạt phim, điều khiến Mission: Impossible khác biệt với một loạt phim hành động đơn thuần khác, chính là các tài năng đạo diễn ngồi sau máy quay.

Sự xuất hiện của những cái tên đạo diễn “lừng danh” với phong cách cá nhân đậm nét như Brian De Palma, Ngô Vũ Sâm, J.J Abrams, Brad Bird và Christopher McQuarrie đã khiến cho mỗi tập phim, dù vẫn bám sát tinh thần xuyên suốt của loạt phim, vẫn có được phong cách cá nhân của từng đạo diễn và khiến chúng không bị lặp lại theo khuôn mẫu của dòng phim hành động.

Thông thường, các bộ phim “thương hiệu” và đạo diễn kiểu “tác giả” không đi đôi với nhau. Dĩ nhiên, thi thoảng sẽ có một vài ngoại lệ, như Alfonso Cuaron từng đạo diễn một tập Harry Potter hay Sam Mendes từng đạo diễn 2 phần của James Bond. Nhưng với Mission: Impossible thì Tom Cruise, với tư cách là diễn viên chính và nhà sản xuất, luôn là một yêu cầu bắt buộc. Và chính tầm nhìn này đã làm nên sự khác biệt cũng như sức hấp dẫn cho mỗi tập phim.

alt
Đạo diễn Brian De Palma cùng Paul Hirsch và Tom Cruise trên trường quay Mission: Impossible (1996).

Trong phần đầu tiên, đạo diễn Brian De Palma, một tên tuổi nổi lên nhờ những bộ phim kinh dị và gangster xuất sắc của thập niên 70, 80 như Carrie, Scarface, The Untouchables hay Carlito’s Way… đã mang đến cho bộ phim sự hấp dẫn và ly kỳ nhờ kế thừa phong cách của đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock.

Trái ngược với những bộ phim hành động bom tấn ở giai đoạn đó, De Palma hướng trọng tâm của bộ phim theo hướng ly kì hồi hộp hơn là hành động để kể về những kẻ nội gián được cài vào trong nhóm điệp viên của IMF.

Dù vậy, trong phần đầu tiên này vẫn có nhiều cảnh đáng nhớ về mặt hành động, như cảnh Tom Cruise đột nhập để đánh cắp một thiết bị công nghệ rồi bị treo lơ lửng trên dây hay phân cảnh hành động ngoạn mục trên chiếc tàu tốc hành ở Pháp, kéo theo một chiếc máy bay trực thăng chui vào đường hầm trong phần cuối của bộ phim.

Sự li kỳ hấp dẫn của câu chuyện cùng với phong cách đạo diễn mang màu sắc cổ điển của De Palma giúp cho phần đầu tiên gây tiếng vang ngay từ khi mới ra mắt, đạt doanh thu 455 triệu USD so với mức kinh phí 80 triệu USD.

Cũng trong năm đó, Tom Cruise còn có một phim thành công khác là Jerry Maguire giúp anh nhận được đề cử Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Cả hai phim này đều nằm trong top 10 phim ăn khách nhất của năm.

Phải 4 năm sau, M:I 2 mới ra mắt và người ngồi ghế đạo diễn không ai khác là Ngô Vũ Sâm, một tên tuổi nổi tiếng người Hongkong mới gia nhập Hollywood và lập tức thành công với Broken Arrow và Face/Off. Chất hành động của Ngô Vũ Sâm thể hiện rõ qua việc xây dựng hình tượng người hùng cá nhân với những cú máy quay chậm (slow-motion) và chim bồ câu bay trong một khung hình cháy nổ.

Việc quá đề cao hình tượng người hùng cá nhân của Ethan Hunt khiến M:I – dù vẫn thành công lớn về phòng vé, lại không được lòng giới phê bình và trở thành tập phim duy nhất nhận điểm “cà chua thối” trên trang Rotten Tomatoes.

J.J Abrams – một tên tuổi đang lên của mảng phim truyền hình hành động rất ăn khách thời điểm trước đó như Fecility, Alias, Lost… được Tom Cruise mời vào ghế đạo diễn phần 3. Ngoài phong cách kể chuyện hấp dẫn nhờ đề cao tính giật gân và li kỳ, Abrams cũng xây dựng được một nhân vật phản diện thú vị và đáng tin cậy nhất của loạt phim cho đến nay là tay buôn vũ khí nguy hiểm do Philip Seymour Hoffman đóng.

Điệp viên Ethan Hunt, vốn được xây dựng khá phô trương trong phần 2 do Ngô Vũ Sâm đạo diễn, đã được “làm mới” hơn nhờ sự nhấn mạnh vào việc xây dựng nội tâm của nhân vật, đặc biệt là mối quan hệ của anh với cô bạn gái Julia (Michelle Monaghan). Cho dù đây là tập phim có doanh thu thấp nhất trong loạt phim, nhưng nó tạo nhiều tiền đề để các phần hậu truyện phát triển một cách chắc chắn hơn, nhờ đầu tư vào việc xây dựng nhân vật, không chỉ Ethan Hunt mà còn các thành viên trong nhóm IMF, giúp họ phát triển được các sắc thái cá nhân và có tính cá nhân cao hơn.

alt
Tài tử Tom Cruise làm việc cùng đạo diễn Brad Bird trên trường quay Mission: Impossible 4.

Brad Bird, đạo diễn tài năng của Pixar (thắng 2 giải Oscar phim hoạt hình cho The IncrediblesRatatouille) tiếp quản phần 4 và đưa loạt phim này lên một tầm cao mới. Bắt đầu từ tập phim này, mỗi tập phim đều có tên riêng và nhấn mạnh vào tính “bất khả thi” của từng phi vụ. Brad Bird cũng là đạo diễn đầu tiên nhận ra tiềm năng trong việc sử dụng thể chất sung mãn của Tom Cruise trong các các hành động nguy hiểm và biến nó thành “thương hiệu” của loạt phim qua một loạt cảnh hành động ngày càng điên rồ, như leo lên tòa nhà cao nhất thế giới hay những cảnh rượt đuổi ngoạn mục trong cơn bão cát của sa mạc ở Dubai…

Kể từ phần 5, người nắm giữ vị trí biên kịch và đạo diễn của loạt phim là Christopher McQuarrie, một tên tuổi đã được “bảo chứng” với giải Oscar cho Kịch bản xuất sắc nhất với The Usual Suspects (1995).

alt
Đạo diễn Christopher McQuarrie đã "nâng tầm" thương hiệu M:I trong các phần phim gần đây.

Ngoài việc đầu tư vào kịch bản để loạt phim ngày càng trở nên thời thượng và gắn liền với các vấn đề mang tính thời đại hơn, McQuarrie tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu cá nhân của Tom Cruise qua các cảnh hành động nguy hiểm. Trong phần 5 (M:I – Rogue Nation), cảnh Tom Cruise đu mình bên ngoài cánh cửa máy bay Airbus A400M trong suốt quá trình máy bay cất cánh gây ấn tượng mạnh với khán giả. Còn ở phần 6 (M:I - Fallout), cảnh Tom Cruise nhảy giữa hai tòa nhà gây chấn thương mắt cá chân cũng trở thành một chi tiết để “bán vé”.

Các cảnh Tom chạy bộ hay rượt đuổi bằng mô tô, xe hơi, tàu, máy bay… vẫn diễn ra xuyên suốt trong các tập phim với cường độ ngày càng được nâng cao.

Còn điều gì cho Tom Cruise thử thách?

McQuarrie vẫn là người giữ vai trò biên kịch và đạo diễn của 2 phần tiếp theo, ra mắt vào Hè năm nay và năm sau. Nhiệm vụ “bất khả thi” của nhóm đặc vụ IMF không phải là những kẻ thù bằng xương bằng thịt nữa mà là AI – một trí tuệ nhân tạo được nâng cấp ngày càng thông minh và quỷ quyệt hơn dưới tên gọi là “Thực thể” (Entity). Trong khi đó, đặc vụ Ethan Hunt phải đối mặt với một kẻ thù từ quá khứ, một “nghiệp báo” mà anh ta phải trả giá.

alt
Tài tử Tom Cruise trên trường quay M:I 7 part 1.

Cho dù kịch bản được đầu tư dày công hơn để hợp với xu hướng thời đại, “gót chân Achilles” là điều không thể tránh khỏi với một loạt phim hành động hình sư về đề tài điệp viên. Cách để phá vỡ các khuôn mẫu kịch bản dễ rơi vào nhàm chán đó chỉ còn một cách duy nhất: tăng adrenaline cho khán giả bằng các cảnh hành động mãn nhãn.

M:I – Dead Reckoning Part I – dù dài nhất trong loạt phim từ trước tới nay (163 phút), vẫn giữ chân khán giả tới phút cuối cùng nhờ những cảnh hành động xuyên suốt và càng lúc càng tăng cường độ mãn nhãn khiến khán giả tập trung vào bộ phim mà không cần quan tâm đến sự phi lý của cốt truyện.

Giải trí chất lượng cao là yếu tố tiên quyết giúp loạt phim này giữ chân khán giả. Và như Tom Cruise chia sẻ, đó là cách để khán giả đến rạp thưởng thức điện ảnh!

Các cảnh hành động dĩ nhiên được dàn dựng ngày càng ngoạn mục hơn. Những cuộc rượt đuổi và bắn súng trên lưng ngựa ở sa mạc, rượt đuổi bằng xe hơi với cánh tay bị còng trong một chiếc xe Fiat bé tí ở Rome hay lái mô tô lên cao rồi bay xuống một ngọn núi ở Na Uy là những cảnh hành động mang tính biểu tượng của phần mới nhất này. Và Tom Cruise, dĩ nhiên vẫn sẽ thực hiện những cảnh nguy hiểm này mà không cần người đóng thế.

alt
Tom Cruise trên thảm đỏ ra mắt phim M:I 7. | Nguồn: Tiziana Fabi/AFB/Getty Images

Nhưng liệu sẽ còn thử thách nào nữa để ngôi sao này có thể vượt qua để tiếp tục giữ được phong độ đỉnh cao? Đây là một câu hỏi không dễ để trả lời nhưng bạn cũng biết rằng: Tom Cruise bắt đầu đóng Mission Impossible lúc anh mới 34 tuổi và vẫn tiếp tục giữ phong độ đỉnh cao ở tập mới nhất lúc anh vừa sinh nhật tuổi 61.

Và dĩ nhiên, Tom vẫn chưa dừng lại, như một tiết lộ trong buổi phỏng vấn gần đây anh cho biết sẽ còn đóng vai điệp viên Ethan Hunt cho đến năm 80 tuổi.