Hàng loạt bom tấn điện ảnh hóa bom xịt, chuyện gì đang xảy ra? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 07, 2023
Điện Ảnh

Hàng loạt bom tấn điện ảnh hóa bom xịt, chuyện gì đang xảy ra?

6 trên 8 bộ phim có kinh phí trên 100 triệu đô thất bại tại phòng vé mùa hè. Những thương hiệu điện ảnh như Fast and Furious, Transformer đã không còn sức hút.
Hàng loạt bom tấn điện ảnh hóa bom xịt, chuyện gì đang xảy ra?

Nguồn: Trung Nguyen cho Vietcetera

Với hàng loạt bom tấn được ra mắt liên tục vào khoảng thời gian tháng 5-6, mùa hè năm 2023 đã được kì vọng sẽ là giai đoạn hồi sinh thị trường điện ảnh vốn vẫn chưa thể phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, doanh thu phòng vé đã đem đến một thực tế ảm đạm hơn rất nhiều, hàng loạt bộ phim với kinh phí kỉ lục trở thành bom xịt, thậm chí thua lỗ.

The Little Mermaid trở thành bộ phim live-action remake từ phim hoạt hình duy nhất của Disney không thể vượt mốc doanh thu 1 tỷ đô. Những bộ phim từ các "ông lớn" như The Flash, Elementals có doanh thu tuần đầu tệ hại, báo hiệu sẽ trở thành một trong những khoản lỗ tồi tệ cho cả Warner Bros và Disney.

Điều đáng nói ở đây là những bộ phim này đều là những bom tấn với kinh phí trên 100 triệu đô. Vậy, chuyện gì đang xảy ra? Hiện tượng này đang nói lên điều gì về thị trường điện ảnh và thói quen xem phim của khán giả.

Kinh tế khó khăn sau dịch, thói quen xem phim thay đổi

Vào năm 2020, đại dịch Covid bắt buộc tất cả các studios lớn nhỏ phải thay đổi chiến lược phát hành phim. Để phục vụ những khán giả không thể hoặc không thoải mái đi tới rạp phim giữa đại dịch, các hãng phim đã lựa chọn phát hành song song phim của họ ở cả rạp chiếu lẫn các nền tảng streaming.

Giải pháp này tuy đem lại những lợi ích nhất thời để đảm bảo nguồn doanh thu ổn định cho các hãng phim, chúng đã gián tiếp tạo nên một ảnh hưởng lớn đến thói quen xem phim của khán giả. 3 năm sau đại dịch, khán giả dường như đã trở nên quen thuộc với việc các bộ phim chiếu rạp sẽ nhanh chóng có mặt trên nền tảng streaming.

alt
Sự phát triển nhanh đến chóng mặt của các nền tảng chiếu phim trực tuyến | Nguồn: Flixed.io

Theo một báo cáo của IndieWire vào năm 2022, giá vé trung bình để xem một bộ phim tại Mỹ đã tăng ít nhất 20% kể từ năm 2019 (từ $9.1 lên $11). Cộng hưởng với chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát, rạp chiếu phim dường như đã trở thành một “địa điểm sự kiện,” nơi khán giả sẽ chỉ chọn lựa vài bộ phim họ muốn xem trong năm để ra rạp thay vì biến chúng thành một thói quen mỗi cuối tuần.

Khi mà đến cả những bộ phim đem lại doanh thu khủng như Black Panther: Wakanda Forever cũng xuất hiện tại Disney+ trong chưa đầy 3 tháng kể từ khi công chiếu, khán giả sẽ lựa chọn ra rạp để xem những bộ phim lạ và độc đáo hơn là những bộ phim bom tấn. Đơn giản vì họ hoàn toàn có thể xem lại những bom tấn này một ngày không xa tại các nền tảng streaming.

Quy trình phát hành, marketing không đủ khả năng kéo khán giả

Nhìn qua lịch phát hành phim năm 2023, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch rõ ràng trong tần suất những bộ phim kinh phí cao ra rạp. Chỉ trong vòng tháng 5 và tháng 6, thị trường điện ảnh có tới 8 bộ phim với kinh phí trên 100 triệu đô công chiếu. Ngược lại, vào 4 tháng đầu năm 2023, con số này chỉ dừng lại ở 5 bộ phim.

Sự ra rạp dồn dập của những bộ phim này tại giai đoạn mùa hè đã tạo nên những cạnh tranh về số lượng bán vé vốn đã hạn chế của thị trường điện ảnh. Những thất bại lớn nhất tại phòng vé ở thời điểm này có lẽ phải kể đến Elemental The Flash.

Nếu The Flash đang trên lộ trình trở thành bộ phim thua lỗ nhất lịch sử 100 năm của Warner Bros, thì Elemental cũng không hề kém cạnh khi có doanh thu mở màn tệ nhất trong tất cả các bộ phim Pixar. Giữa một thị trường điện ảnh vốn đã ảm đạm, qui trình phát hành và quảng bá sai lầm của hai bộ phim đã không thể kéo khán giả ra rạp.

Tại CinemaCon 2023, Disney đã có màn chiêu đãi quan khách với 20 phút đầu của Elemental. Một câu chuyện về cộng đồng nhập cư và nạn phân biệt chủng tộc hiện lên, nhanh chóng nhận được lời tán dương từ những nhà báo, nhà phê bình có mặt tại buổi chiếu đó.

Đáng tiếc thay, đây không phải một câu chuyện mà khán giả được thấy trên trailer. Thay vào đó, Pixar lại cho chúng ta thấy một câu chuyện tình yêu giữa hai cá thể “vốn không thuộc về nhau,” một mô-típ đã quá cũ kĩ mà theo thực tế đã chứng minh, không thể thu hút khán giả tại rạp.

Câu chuyện về thất bại của The Flash có lẽ đã bắt đầu từ khi bộ phim này được thông báo vào năm 2014. Trải qua những thay đổi liên tục về đạo diễn và nhiều lần trì hoãn, bộ phim đã chính thức ra mắt khán giả vào 9 năm sau đó, khi mọi sự phấn khởi của khán giả đã nguội lạnh từ lâu.

Chiến dịch quảng cáo của The Flash đã truyền tải một thông điệp khá rõ ràng, bộ phim này ghét chính diễn viên chính của chúng. Sau quá nhiều scandal của Ezra Miller, đội ngũ quảng bá bộ phim đã hạn chế tối đa sự xuất hiện của diễn viên này.

Thay vào đó, The Flash đã tập trung hướng sự chú ý của khán giả vào những cameo sẽ xuất hiện ở trailer. Cùng với đó là quảng bá bộ phim dựa trên lời khen ngợi có cánh của những đạo diễn, diễn viên nổi tiếng của Hollywood.

Thế nhưng, dù cho James Gunn có gọi bộ phim này là “một trong những bộ phim siêu anh hùng hay nhất,” dù cho Tom Cruise có hứng khởi đến đâu sau khi xem bộ phim, lời nói của họ chẳng để lại bất kì trọng lượng nào khi gần như tất cả các video trên youtube đều lên tiếng chỉ trích chất lượng của bộ phim này.

Liệu khán giả đã không còn tin vào những thương hiệu điện ảnh?

Nhìn vào danh sách những bộ phim có kinh phí trên 100 triệu đô ra mắt vào tháng 5 và tháng 6, có tới 7 trên 8 bộ phim được dựa trên hoặc tiếp nối những thương hiệu điện ảnh thành công.

Những cái tên như Transformer, Fast and Furious từ lâu đã trở thành những cái tên đảm bảo lợi nhuận khủng cho những hãng phim tại Hollywood. Thế nhưng, với doanh thu tệ hại tại thị trường nội địa và chỉ mới được cứu vớt bởi những khán giả quốc tế của Fast XRise of The Beast, những hãng phim có lẽ sẽ phải bắt đầu cân đo đong đếm số tiền mà họ đầu tư vào những thương hiệu này.

The Little Mermaid cũng là một trường hợp tương tự. Tuy được làm lại dựa trên một trong những bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhất thế giới, The Little Mermaid lại trở thành bộ phim đầu tiên trong chuỗi live-action remake của Disney không thể vượt mốc 1 tỷ đô doanh thu.

Ở mặt khác, hai bộ phim được xem là thành công ở phòng vé tại tháng 5-6, Guardians of the Galaxy Vol.3 Spider-Man: Across The Spider-Verse, đều là những bộ phim dựa trên những thương hiệu điện ảnh nổi tiếng có sẵn. Vậy chuyện gì đang diễn ra, liệu thương hiệu đang đóng vai trò gì trong việc kéo khán giả ra rạp?

Nhìn vào điểm chung của hai bộ phim này, khán giả hoàn toàn có thể nhận thấy rằng chúng đều nhận được những lời khen có cánh từ cả giới phê bình và khán giả. Trong số những lời khen ấy, hai cụm từ “phá cách” và “chân thành” có lẽ là hai cụm từ xuất hiện nhiều nhất.

alt
"Một bộ phim hoạt hình phá vỡ tất cả những khuôn mẫu theo tất cả những cách có thể" - The Wired | Nguồn: Sony Pictures

Khi một series đã đi đến phần phim thứ 11 như Fast and Furious hay phần thứ 7 như Transformer, các hãng phim sẽ không thể mãi kéo khán giả ra rạp với chiến lược “làm mọi thứ như cũ, nhưng nhiều kinh phí và hoành tráng hơn.”

Sau những thất bại liên tục của MCU trong Phase 4 do quá cố gắng phát triển thế giới đa vũ trụ, James Gunn lựa chọn một câu chuyện đầy tình yêu có thể hoàn toàn đứng vững như một bộ phim riêng lẻ. Sau 9 bộ phim riêng lẻ của người Nhện, Across The Spider-Verse lựa chọn thách thức lại chính những khuôn mẫu đã tạo nên hình tượng người Nhện.

Có thể thấy, trong một bối cảnh nơi khán giả đã thay đổi thói quen xem phim, những thương hiệu điện ảnh đã không còn là những con dấu đảm bảo thành công của một bộ phim.

Khi những con số kinh phí kỉ lục lên tới hàng trăm triệu đô la đã không còn đảm bảo lợi nhuận cho những hãng phim, khán giả hoàn toàn có thể hi vọng vào một tương lai nơi những bộ phim với cách kể chuyện độc đáo và chân thành sẽ nhận được sự chú ý mà chúng vốn đã luôn xứng đáng.