Tóm Lại Là: Tại sao Forbes bảo ta bỏ Google? | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Tại sao Forbes bảo ta bỏ Google?

Google có thật sự quan tâm tới dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng?
Tóm Lại Là: Tại sao Forbes bảo ta bỏ Google?

Nguồn: Unsplash

1. Tại sao tạm biệt Google?

Trong bài viết gần đây của Forbes, tác giả Zak Doffman đã khuyên chúng ta nên ngừng sử dụng Chrome. Một trong những lý do là vì Chrome lấy nhiều dữ liệu hơn ta nghĩ và bản cập nhật mới nhất của iOS đã cho thấy điều đó.

Browser Privacy Labels Market Share in Data 20 March 2021
Lượng dữ liệu Google Chrome đang lấy của người dùng, được phân tích bởi iOS | Nguồn: Apple

Chưa dừng lại ở đó, gần đây Google cũng đang bị kiện vì thu nhập dữ liệu người dùng đang sử dụng chế độ ẩn danh.

2. Mới đầu năm nay Google bảo quan tâm tới quyền riêng tư?

Google đặt mục tiêu tiếp theo của mình là “privacy-first web" (ưu tiên quyền riêng tư). Để chứng minh, Google thông báo sẽ chặn tính năng “cookies bên thứ 3” hoàn toàn.

Cookies là một tập tin mà website gửi tới người dùng và nó sẽ ở đó để tạm theo dõi thiết bị của bạn. Cookies bên thứ 3 thì tới từ một bên khác, không liên quan gì tới websites bạn đang xem và nó cũng chẳng có lợi gì, ngoài thu nhập thông tin của bạn.

Quyết định này của Google làm đau đầu các nhà quảng cáo khi họ phải tìm cách khác để tiếp cận khách hàng.

3. Cái gì thay thế cookies?

Google có tốt bụng như vậy khi tập đoàn này được xây dựng dựa trên việc giám sát dữ liệu? Để thay thế cookies, một bản cập nhật khác ra đời là Privacy Sandbox (Hộp cát bảo mật).

Hộp cát này sử dụng một hệ thống AI gọi là FLoC (Federated Learning of Cohorts). Nói một cách đơn giản, thay vì để bên thứ 3 lấy thông tin, Chrome sẽ tự tay lấy thông tin và đặt bạn vào nhóm người tiêu dùng có chung sở thích và hành vi.

Tổ chức về bảo vệ quyền riêng tư EFF đã nhận xét rằng: Đây là một ý tưởng tồi tệ. Dường như thay vì “chia nhỏ" quyền lực ra Google đang tự tay thâu tóm mọi thông tin.

4. Thông tin là tiền tệ của thế hệ mới?

Hành vi của người tiêu dùng được cho là mỏ vàng cho ngành quảng cáo. Nói cách khác nền tảng của quảng cáo trực tuyến được xây dựng dựa trên dữ liệu và giám sát người dùng. Việc ta sử dụng các dịch vụ công nghệ miễn phí thật ra là đang được trả phí bằng dữ liệu.

Câu nói vui “hãy Google vì nó miễn phí" bỗng mất đi ý nghĩa của nó khi mà bạn đang đem lại nhiều tiền cho Google hơn bạn nghĩ. Chỉ trong quý IV, doanh thu quảng cáo của Google đã là 46,20 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019.

5. Người dùng có thật sự quan tâm?

Internet đã từng là ngôi nhà “ẩn danh" nhưng nền tảng này đang dần biến thành “một hệ thống giám sát toàn cầu". Quyền riêng tư trở thành mối quan tâm hàng đầu của những cá nhân, tổ chức, các công ty công nghệ và cả chính phủ. Điều này giải thích cho sự bùng nổ của các cuộc chiến công nghệ thời gian qua.

Telegram wins the internet as it pokes fun at Facebook WhatsApp over new privacy policy Trending NewsThe Indian Express
Tưởng dùng Whatsapp, nhưng thật ra là Facebook! | Nguồn: The Indian Express

Năm 2020, một cuộc “di dân trực tuyến lớn nhất" đã xảy ra khi người dùng chuyển từ Whatsapp sang Telegram. Hay khi một dòng tweet ngắn ngủi về việc nên sử dụng ứng dụng Signal của Elon Musk cũng gây bão. Nhận thấy những rủi ro về quyền riêng tư, người dùng không ngại thay đổi và đi tìm ngôi nhà mới, nơi có thể cho họ thứ họ cần: sự riêng tư để được “ẩn danh" trên mạng.

6. Có phải sự riêng tư trở thành một selling-point?

Selling-point là lợi điểm bán hàng độc nhất. Khao khát được ẩn danh và riêng tư trên Internet đã biến thành một "insight" mới cho các công ty công nghệ. Không phải tự nhiên mà từ Apple tới Microsoft đều muốn bán cùng một thông điệp “độc nhất": Chúng tôi quan tâm tới quyền riêng tư của bạn.

Bản thân Facebook cũng đã lao vào cuộc chơi “bảo vệ quyền riêng tư" với bài đăng nói về việc muốn phát triển mạng xã hội theo hướng này. Tuy nhiên liệu đây là một xu hướng nhất thời hay thực sự làm một sự chuyển giao trong cách chúng ta sử dụng Internet?

7. Đã đến lúc đấu tranh vì nhân quyền trực tuyến?

Chúng ta đã luôn nói nhiều về việc đấu tranh bảo vệ quyền con người nhưng trong thời đại số này, ta cần nhiều hơn. Nhà sáng lập hệ thống World Wide Web, Sir Tim Berners-Lee, trong nhiều năm đã soạn thảo bộ luật về những quy tắc ngăn lạm dụng quyền trên Internet.

Sir Tim BernersLee launches Magna Carta for the web to save internet from abuse
Sir Tim Berners-Lee phát biểu về cuốn sách luật lệ cho Internet tại Web Summit 2018 | Nguồn: The Telegraph

Ông nhấn mạnh rằng thay vì xung đột chúng ta nên có chung một khung về bảo vệ quyền riêng tư cũng như dữ liệu cá nhân. Để tạo ra được điều này cần có sự giám sát và liên minh của nhiều tổ chức cũng như chính phủ. Contract for the web đã được thành lập vì mục đích này

Tuy nhiên, trong khi “đợi" các ông lớn tạo ra những thay đổi, chúng ta vẫn nên tự ý thức và hiểu rõ hơn về những quyền lợi của chính mình. Tất cả là để không phải bị “dắt mũi" theo xu hướng của các công ty công nghệ, nhất là khi đằng sau những lời hô hào đó thứ duy nhất còn lại vẫn là bài toán vì lợi nhuận.