Tóm Lại Là: "Trải nghiệm bị xâm hại tình dục tập thể" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: "Trải nghiệm bị xâm hại tình dục tập thể"

Có khúc mắc nào trong bài đăng của các nhân vật trong bài viết "Trải nghiệm bị xâm hại tình dục tập thể"? Tại sao chúng ta không nên victim-blaming nạn nhân?
Tóm Lại Là: "Trải nghiệm bị xâm hại tình dục tập thể"

Nguồn: Amy cho Vietcetera

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày 02/04, một bài đăng với tựa “Trải nghiệm bị xâm hại tình dục tập thể" đã thu hút nhiều sự chú ý với lượng tác lên tới 65.000. Bài viết được đăng bởi D., một du học sinh Hàn Quốc, kể lại việc vào năm 2020 bạn đã bị một nhóm thanh niên Việt Nam xâm hại tập thể.

alt
Bài đăng của nạn nhân | Nguồn: Facebook

Hàn Quốc đã xử vụ án này: 3 bị cáo bị án treo. Lý do D. quyết định đăng bài vì cô đã nhận quá nhiều sự đe dọa từ gia đình bị cáo. Bài đăng của D. đã đăng kèm những giấy tờ chứng cứ bao gồm:

  • Phán quyết của Tòa án Hàn Quốc ở phiên tòa sơ thẩm
  • Bản Thông cáo Kết quả xử lý vụ việc (liệt kê các tội danh)
  • Giấy xác nhận mẫu tinh dịch
  • Thư viết tay xin lỗi của các bị cáo
  • Tin nhắn và băng ghi âm trao đổi với gia đình bị cáo

2. Có những phe phái nào?

Có một phe đang "bênh vực" kẻ hiếp dâm bằng cách tố nạn nhân đã "gài" vụ hiếp dâm để lấy tiền chuộc. Phe này tự nhận là người trong cuộc và người quen nhằm đưa ra các bằng chứng phản bác nạn nhân. Những người theo "đảng" này cũng là những người đang victim-blaming (đổ lỗi nạn nhân).

Phe thứ 2 chính là phe "soi". Phe này tìm kiếm và chỉ ra những điểm "bất hợp lý" trong bài đăng của nạn nhân. Những thắc mắc này cũng đã được bản thân D. giải đáp trong bài viết gốc.

3. Bạn chọn phe nào?

Tòa án đã đưa ra kết luận về việc 3 bị cáo hưởng án treo cũng như phải bồi thường nạn nhân. Vậy nên cho tới hiện tại, kết quả của tòa là thứ ta nên tin vào. Cần phải nhấn mạnh rằng, việc D. đồng ý ký giảm án không thay đổi được sự thật cũng như tội trạng của 3 bị cáo.

Lý do D. đồng ý “ký khống" lấy tiền bồi thường để giảm nhẹ tội cho 3 bị cáo vì theo như D., cô bị đe dọa về tinh thần bởi gia đình bị cáo (Theo tiin.vn). Việc đồng ý cho 3 người về nước sẽ tạm thời đảm bảo sự an toàn cho cô. Nếu 3 bị cáo không có tội thì không có lý do gì gia đình bị cáo lại đưa ra đề nghị này.

4. Hệ thống pháp luật ở Hàn có lỏng lẻo?

Năm 2019, có khoảng ⅓ số tội phạm tình dục đã được giảm án do “có sự ăn năn, hối cải" (Theo zingnews). Năm 2020, chỉ có 26% những người bị buộc tội tấn công tình dục phải đi tù trong vòng 12 năm qua.

Có thể thấy, tại Hàn hệ thống pháp luật ở đây còn lỏng, đặc biệt là khi liên quan tới tội phạm tình dục. Bản thân bộ luật này còn có đề cập tới việc sẽ giảm án cho tội phạm nếu có yếu tố say rượu. Theo như Be the change Vietnam, việc những bị cáo này chỉ bị xử án treo là hoàn toàn có thể xảy ra.

5. Cái khó của việc sống ở nước ngoài?

Trong bài đăng của mình, D. đã nhấn mạnh ý muốn tìm sự giúp đỡ của “đồng bào". Lý do đơn giản vì tiếng nói của D. ở Hàn Quốc không được nhiều người nghe thấy.

Một khảo sát được đăng trên The KoreaTimes cho thấy 61% người Hàn không coi những người nước ngoài làm việc ở đây là một thành phần của xã hội Hàn; 57% trong số đó cũng không quan tâm tới “người nước ngoài". Xenophobia - tính bài ngoại - tồn tại sâu thẳm ở Hàn Quốc. Bạn sẽ may mắn hơn nếu là một người nói tiếng Anh và có vẻ ngoài “Tây" khi mà đây là những gì người Hàn coi trọng (theo edition.cnn.com).

6. Người ngoài không quan tâm đã đành, sao người nhà lại đổ lỗi?

Dù đã 2021 rồi nhưng mỗi khi xảy ra những vụ xâm hại tình dục, vấn đề victim-blaming vẫn “đội mồ" sống lại. Nạn nhân của xâm hại tình dục, những người không được lựa chọn, nhưng lại luôn phải chịu những dèm pha và miệt thị tới từ xã hội. Đây cũng là lý do khiến nhiều nạn nhân chọn im lặng (Theo RNZ).

Bộ phim Promising Young Woman đã lột tả cái cách một vụ hiếp dâm làm thay đổi tương lai một người. Nhưng đáng sợ hơn cả, theo như lời anh Lê Hồng Lâm: “Cơn ác mộng lớn nhất của người phụ nữ là bị cả một xã hội quay lưng lại trước nỗi đau của cô.”

7. Nếu là nạn nhân của hiếp dâm, bạn nên làm gì?

Theo như Verywellmind và USC, bạn nên:

  • Đầu tiên là đảm bảo rằng bạn đang an toàn. Tìm ngay đến nơi bạn có thể nhận được sự trợ giúp như bệnh viện và người thân.
  • Giữ cơ thể bạn ở tình trạng như vậy. Dù biết rõ rằng đây là việc rất khó khăn khi tất cả những gì bạn muốn là gột rửa cơ thể. Tuy nhiên việc tắm rửa hay uống thuốc sẽ tình cờ làm mất đi những chứng cứ cần thiết.
  • Bạn có quyền báo cảnh sát hoặc là không. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân đã chia sẻ, việc đưa kẻ hiếp dâm ra ánh sáng giúp họ lấy lại sự điều khiển trong cuộc sống cũng như hồi phục dần dần.
  • Có một điều có lẽ bạn nên biết trước đó là việc kiểm tra cơ thể có lẽ sẽ không thoải mái với nhiều dụng cụ. Nhưng những điều đó là để đảm bảo cho cơ thể bạn được khỏe mạnh. Bạn có thể sẽ phải dùng thuốc tránh thai nếu cần thiết.
  • Bước cuối cùng chính là tự yêu thương và chăm sóc bản thân cũng như tìm kiếm sự trợ giúp chuyên sâu cho những sang chấn tâm lý (PTSD). Và quan trọng nhất hãy luôn nhớ rằng, bạn không có lỗi trong chuyện này.