Trước ngưỡng cửa hôn nhân: 9 điều bạn cần cân nhắc | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 07, 2020
Cuộc SốngThương

Trước ngưỡng cửa hôn nhân: 9 điều bạn cần cân nhắc

Qua 9 điều này, bạn đã sẵn sàng bao nhiêu phần trăm để bước vào cánh cửa hôn nhân?

Trước ngưỡng cửa hôn nhân: 9 điều bạn cần cân nhắc

Khi được hỏi “Khi nào thì bạn sẵn sàng để bước vào cuộc sống hôn nhân?” hầu hết các câu trả lời sẽ được chia thành hai nhóm. Nhóm người lý trí cảm thấy muốn kết hôn khi đã đạt được những thành công nhất định và có tài chính vững chắc. Nhóm còn lại cảm thấy như thế quá thực dụng, hôn nhân chỉ nên được xuất phát từ cảm xúc yêu thương.

Được lấy cảm hứng từ bài viết tại The School of Life, danh sách dưới đây sẽ cho biết bạn đã sẵn sàng bao nhiêu phần trăm cho ngưỡng cửa hôn nhân.

1. Chia sẻ kỳ vọng hợp lý với người bạn đời tương lai

Trước ngưỡng cửa hôn nhân 9 điều bạn cần cân nhắc0

Ai cũng sẽ có những kỳ vọng về đối phương, nhưng bạn cần biết kỳ vọng sao cho hợp lý. | Nguồn hình: Unsplash

Lúc mới yêu, bạn luôn thấy ở người ấy hình ảnh một người bạn đời hoàn hảo với ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm. Bạn cũng thường tự nhủ, sau khi kết hôn người ấy nhất định sẽ vì mình mà thay đổi những khuyết điểm. Nhưng thay đổi một con người không dễ dàng như vậy. Sau khi kết hôn, nếu đối phương vẫn giữ thói quen của mình, vẫn bừa bộn, nóng nảy, hay về khuya,… bạn sẽ cảm thấy thất vọng.

Để không xảy ra điều này, hai bạn nên chia sẻ những kỳ vọng của mình về đối phương trước khi kết hôn. Ví như bạn hy vọng chồng mình có thể dành thời gian cuối tuần cho gia đình, hay vợ mình có thể nấu ăn mỗi ngày. Chỉ khi cả hai đi đến thỏa hiệp về những kỳ vọng của nhau, cuộc sống hôn nhân mới có thể suôn sẻ.

2. Chấp nhận sự khác biệt của bạn đời

Tiến sĩ Chloe Carmichael đã chia sẻ, "Bạn phải nhớ rằng đối tác của bạn cũng là một cá thể độc lập với những điểm mạnh cũng như điểm yếu riêng, và họ cũng mong muốn được chấp nhận bởi chính bản thân họ".

Bạn đời không phải là bản sao của bạn. Hai bạn có thể thu hút nhau bởi những sở thích hay quan điểm chung. Nhưng sau đó, những điểm khác biệt sẽ không ngừng xuất hiện. Lúc này, thay vì xung đột, việc thử đứng ở góc nhìn khác biệt của đối phương sẽ đưa hôn nhân của bạn tiến bước trong tương lai.

3. Thấu hiểu không ở thì “luôn luôn”

Bạn và người ấy là hai cá thể hoàn toàn độc lập từ cá tính, bối cảnh trưởng thành cho đến văn hóa,… Vậy nên, việc yêu cầu đối phương luôn thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của mình là một điều ngoài tầm với. 

Thay vào đó, chia sẻ một cách cởi mở với nhau mới là chìa khóa tốt nhất để bạn có được một tình yêu thú vị và vững chắc. Đôi khi, bạn sẽ học hỏi được từ người ấy, và cũng có lúc bạn cần là người giáo viên kiên nhẫn. Sẵn sàng học hỏi lẫn nhau chính là dấu hiệu tích cực cho thấy hai bạn có thể tiến đến một giai đoạn mới trong mối quan hệ.

4. Vượt qua những vấn đề của chính mình

Trước ngưỡng cửa hôn nhân 9 điều bạn cần cân nhắc1

Hiểu và yêu bản thân thay vì trông chờ quá nhiều vào nửa kia | Nguồn hình: Unsplash

Rất nhiều người tin rằng, kết hôn chính là đi tìm một nửa mảnh ghép còn lại của mình. Nhưng thực tế, bạn cần có khả năng hoàn thiện bản thân trước, thay vì trông đợi vào nửa kia. Bạn chỉ có thể xây dựng gia đình của chính mình khi chính bạn là một người hạnh phúc hoàn chỉnh.

Một thực tế đáng buồn là có 68.4% trẻ em đã từng trải qua những tổn thương tâm lý quá khứ vì bạo lực. Trong quá trình trưởng thành, những lo lắng khác như ngoại hình, khuyết điểm hay thất bại của mình vẫn luôn thường trực. Những điều này vô hình trung ảnh hưởng đến gia đình của bạn về sau. Bạn sẽ dễ lặp lại những kịch bản trong quá khứ hoặc gây ra tình huống xung đột bởi chính sự tự ti của mình.

Vì vậy, hiểu rõ và thương yêu bản thân là bước đệm cơ bản nhất để bạn hạnh phúc và mang đến hạnh phúc cho bạn đời, cho con cái và gia đình của mình.

5. Tìm được tiếng nói chung khi tổ chức gia đình

Gia đình có thể được xem là một mô hình tổ chức thu nhỏ. Vì vậy, việc thảo luận thẳng thắn với nhau về vai trò, nhiệm vụ của mỗi thành viên là điều rất cần thiết cho các cặp đôi trước khi cưới.

Một vài câu hỏi gợi ý cho cuộc trao đổi của bạn là: Thu nhập chính trong gia đình sẽ đến từ ai? Chia sẻ việc nhà cùng nhau như thế nào? Những truyền thống gia đình riêng của mỗi bên mà cả hai cần cùng nhau thực hiện? Có được tiếng nói chung sẽ giúp giảm thiểu đáng kể những cuộc xung đột sau khi kết hôn.

6. Thống nhất trong quản lý tài chính

Không có bất kì chuyên gia nào có thể đưa ra một quy chuẩn chung cho việc quản lý tài chính gia đình. Thay vào đó, điều này dựa vào việc thống nhất của hai bạn.

Một số cách làm thường gặp là “Tiền của anh và em là của chung”, hoặc cả hai thỏa thuận sẽ trích phần trăm lương của mình vào quỹ gia đình, còn lại thì “tiền ai nấy xài”. Ngoài ra, cũng cần làm rõ rằng ai sẽ người phụ trách giữ tiền, ai là người phụ trách quản lý thu chi trong gia đình.

Thông qua được bài toán tài chính này, hai bạn sẽ tự tin bước đến ngưỡng cửa hôn nhân hơn rất nhiều.

7. Cùng xây đắp ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ

Trước ngưỡng cửa hôn nhân 9 điều bạn cần cân nhắc2

Đảm bảo rằng cả hai bạn đều đã sẵn sàng và có kế hoạch để chuẩn bị chào đón thành viên mới trong gia đình | Nguồn hình: Unsplash

Cùng nuôi dạy những đứa con thường được ví như tình yêu đã “đơm hoa, kết quả”. Nhưng mọi thứ sẽ hoàn hảo hơn khi hai bạn thật sự sẵn sàng cùng nhau chia sẻ vai trò bố mẹ.

Đừng nghĩ rằng đây là viễn cảnh xa chỉ nên bàn đến sau khi cưới. Có thể một trong hai bạn đang ở giai đoạn ưu tiên cho công việc. Hoặc bạn đời của bạn mong muốn cả hai có thêm thời gian chuẩn bị về tài chính, tinh thần và cả sức khỏe.

Hãy cùng nhau đưa ra những phương án và giải pháp phù hợp nhất. Điều này không chỉ vì cuộc sống hôn nhân mà còn giúp những đứa trẻ được lớn lên hạnh phúc.

8. Hỗ trợ nhau phát triển bản thân

Một gia đình dung hòa cần có sự vun đắp của cả bạn và nửa kia. Nhưng rất nhiều bạn trẻ vẫn ngộ nhận rằng kết hôn là tìm được một người giúp mình quán xuyến việc gia đình. Kết quả là một người thì chú tâm cho sự nghiệp, còn người ở nhà luôn cảm thấy chán nản.

Những sự cố như trên đã có thể dễ dàng giải quyết nếu cả hai cùng bàn bạc về con đường chung sau khi cưới. Hai bạn cần dùng bao nhiêu thời gian riêng để đầu tư phát triển bản thân, người này cần sự hỗ trợ gì từ người kia,… Như vậy, gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc để mỗi người có thêm động lực trở thành một bản thể hoàn chỉnh hơn. 

9. Yêu hay được yêu

Khi còn là con trai hay con gái trong gia đình, bạn luôn được ba mẹ hết mực thương yêu mà không cần đáp lại. Lớn lên, bạn muốn tìm cho mình một người bạn đời có thể yêu thương bạn tương tự. 

Vậy bạn muốn được đối phương yêu hay yêu đối phương? Nếu câu trả lời của bạn là được yêu thì có lẽ bạn chưa thật sự sẵn sàng cho vai trò mới trong hôn nhân. Bởi vì kết hôn là khi bạn muốn dành những điều tốt nhất cho gia đình nhỏ của mình. Hay nói cách khác, bạn đóng vai trò như ba mẹ mình — đó là không ngừng cho đi.

Không ngừng cho đi chính là chìa khóa để mở cửa trái tim không chỉ của đối phương, mà còn là của gia đình người ấy, của con cái bạn sau này. Nắm giữ được nó, bạn sẽ biết khi nào mình có thể cùng ai đó bước vào con đường hôn nhân.

Bài viết được lấy cảm hứng từ bài viết tại The School of Life.