Cấp độ 3 của tự nhận thức: Bạn cần biết cách mình đối phó với cảm xúc | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Cấp độ 3 của tự nhận thức: Bạn cần biết cách mình đối phó với cảm xúc

Cấp độ 3 của tự nhận thức là khi bạn nhận ra cách mà mình phản ứng trước những cảm xúc tiêu cực
Cấp độ 3 của tự nhận thức: Bạn cần biết cách mình đối phó với cảm xúc

Nguồn: Darius Bashar/Unsplash

Để tiếp nối phần 1phần 2, dưới đây là phần tiếp theo của loạt bài viết 3 Cấp độ của tự nhận thức được đăng tải trên blog cá nhân của Mark Manson, tác giả cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc "đếch" quan tâm.

Cấp độ 3 - Tôi đã bỏ qua điều gì?

Càng nhận thức rõ về cảm xúc và khao khát của bản thân, bạn càng khám phá ra sự thật là: mình chẳng ra làm sao cả.

Phần lớn suy nghĩ, lý luận và hành động của ta hiếm khi phản ánh những gì chúng ta cảm thấy trong giây phút đó. Nếu tôi đang xem phim cùng vợ và cáu kỉnh vì đã cãi nhau với người chịu trách nhiệm nội dung từ hồi chiều, tôi quyết định sẽ ghét luôn bộ phim đó.

Vợ tôi càng cố gắng chứng minh bộ phim hay thì tôi càng cãi với cô ấy hăng say hơn – bởi vì đó đột nhiên trở thành cách để tôi hợp lý hóa cơn giận của mình.

alt
Chúng ta dùng người khác như cách để hợp lý hóa cơn giận của mình. |Nguồn: Shutter stock

(Sẵn tiện, nếu bạn thắc mắc tại sao chúng ta thích cãi nhau với những người thương yêu nhất, thì đây là một phần lý do: chúng ta dùng họ như “bao cát” để trút mớ cảm xúc hỗn độn trong mình, mặc kệ việc họ có đáng hứng chịu điều đó không, mà thường là không.)

Chúng ta hay cho rằng mình là người lý trí, rằng lý do của ta lúc nào cũng dựa trên sự thật và có cơ sở. Nhưng thật ra, não chúng ta dành lượng lớn thời gian chỉ để lý giải những gì mà trái tim đã quyết. Và chẳng có cách nào sửa chữa điều đó nếu bạn không học cách lắng nghe con tim mình.

Nhận thức của con người thường bị sai lệch, bởi vì:

  • Trí nhớ của ta chẳng hề đáng tin, đặc biệt là mỗi khi nhớ về cảm xúc tại một thời điểm hay địa điểm nhất định. Thậm chí chúng ta càng dở tệ trong việc dự đoán suy nghĩ và cảm xúc của chính mình.
  • Chúng ta thường quá đề cao bản thân. Thực tế, chúng ta càng tệ điều gì, chúng ta càng nghĩ là mình giỏi và ngược lại.
  • Những bằng chứng mâu thuẫn càng góp phần củng cố suy nghĩ của chúng ta hơn là khiến ta nghĩ lại về nó.
  • Chúng ta chỉ chú ý tới những điều giống với niềm tin cố hữu của mình. Đây là lý do cùng một sự kiện nhưng chúng ta lại lý giải theo những cách khác nhau.
  • Khi có cơ hội, đa số chúng ta đều sẽ nói dối để tạo lợi thế cho bản thân. Và đôi khi ta còn lừa dối chính mình.
  • Chúng ta cũng bế tắc trong khoản ước tính các số liệu thống kê và đưa ra những quyết định có lợi về chi phí.

Danh sách còn có thể dài nữa nhưng tôi sẽ tạm dừng ở đó. Tựu trung cả tôi, cả bạn và tất cả mọi người đều dở tệ.

Và điều đó chẳng sao cả. Cái chính là chúng ta nhận ra nó. Nếu đã biết đấy là điểm yếu thì nó sẽ không còn là điểm yếu nữa. Còn không, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của chính những lỗi sai trong tâm trí mình.

Chúng ta học được gì từ những điều trên

1. Hãy khiêm tốn. Trừ khi bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực, không thì khả năng cao là trực giác và giả định của bạn đều sai. Thứ bạn có thể làm trước khi nói ra điều gì đó là tự nhắc nhở “Những gì mình nghĩ có thể sai”. Điều này sẽ khiến bạn trở nên cởi mở và hiếu kỳ hơn với mọi thứ, là cách mà bạn học hỏi và kết nối với thực tại.

2. Bớt nghiêm trọng hóa vấn đề. Phần lớn suy nghĩ và hành vi chỉ là cách bạn phản ứng với những cảm xúc khác nhau. Và chúng ta đều biết rằng cảm xúc của mình thường sai và/hoặc vô nghĩa.

3. Nhận thức về thói xấu của mình. Khi tức giận, tôi trở nên lý sự và ngạo mạn. Khi buồn, tôi mặc kệ mọi thứ và chỉ chơi game. Khi tội lỗi, tôi không ngừng nói đạo lý với tất cả mọi người. Tật xấu của bạn là gì? Tâm trí bạn lang thang ở đâu khi cảm thấy buồn, tức giận, tội lỗi hoặc lo lắng?

alt
Bạn phản ứng như thế nào trước cảm xúc. |Nguồn: Mark Manson

Hãy xét lại cơ chế mà bạn thường dùng để đối phó với những cảm xúc trên, nó sẽ mách bảo những lúc bạn đang cố gắng làm bản thân sao nhãng.

Tôi nhận ra rằng khi vui vẻ và khỏe mạnh, tôi thích chơi game vài giờ mỗi tuần. Nhưng mỗi khi say sưa đến mức chơi thâu đêm và bỏ bê công việc, thường là vì tôi đang cố trốn tránh một vấn đề trong cuộc sống. Đây chính là dấu hiệu mà tôi phải khựng lại để lý giải xem chuyện gì đang diễn ra với mình.

4. Nhận ra những vấn đề mà bạn tự tạo cho mình. Vấn đề lớn nhất của tôi chính là không thể nào nói ra cơn giận hoặc nỗi buồn của mình. Tôi thà trốn tránh nó bằng game hoặc gây hấn thụ động với những người xung quanh.

Mà hai cách này đều chẳng giúp ích được gì. Tôi đã học cách nhận ra mỗi khi mình bắt đầu thói xấu này và tự nhắc "Mark, cứ buồn là mày lại làm thế này, rồi lúc nào cũng hối hận vì không chịu tâm sự với người khác." Và rồi tìm một người để trò chuyện.

5. Hãy thực tế. Không phải bắt bạn dẹp bỏ thiếu sót trong phản ứng tâm lý của mình, mà bạn cần hiểu về nó để tự điều chỉnh cho phù hợp. Cảm xúc cũng giống như các kỹ năng vậy, sẽ có những cảm xúc mà bạn thành thạo hơn các cảm xúc còn lại

Một số người không biết xử lý niềm hạnh phúc nhưng lại giỏi kiểm soát cơn giận. Số khác chẳng bao giờ thấy chán nản nhưng lại vật vã với cảm giác tội lỗi. Vậy cảm xúc nào là thế mạnh và điểm yếu của bạn? Những định kiến và phán xét của bạn đến từ đâu? Bạn làm cách nào để vượt qua hoặc đánh giá lại chúng?

Những điều này, nói thì dễ hơn làm.

Và chúng ta sẽ tiếp tục bàn đến trong phần sau.

Bài viết được chuyển ngữ bởi Trân Lê