Tuổi 30: Suy nghĩ về sự nghiệp - gia đình từ một phụ nữ làm nghề đầu tư mạo hiểm | Vietcetera
Billboard banner

Tuổi 30: Suy nghĩ về sự nghiệp - gia đình từ một phụ nữ làm nghề đầu tư mạo hiểm

Nghề đầu tư mạo hiểm (VC) đã cho tôi nhiều góc nhìn mới về cuộc đời.
Tuổi 30: Suy nghĩ về sự nghiệp - gia đình từ một phụ nữ làm nghề đầu tư mạo hiểm

Hoàng Thị Kim Dung - Nhà đầu tư Quỹ Genesia Ventures

Chỉ vài ngày nữa thôi là đến sinh nhật lần thứ 30 của tôi.

Tất nhiên mỗi dịp sinh nhật đều là một cột mốc quan trọng, nhưng với tôi cột mốc này có phần đặc biệt hơn cả. Đây là tuổi thường bị áp lực nhất từ nhiều phía, khiến chúng ta phải “chín” cả về sự nghiệp và gia đình.

Tôi muốn nhân ngày đặc biệt của mình, viết một vài dòng chia sẻ, gửi gắm thông điệp với chính mình cũng như với bất kỳ ai đang trăn trở về tuổi mới giống tôi: “Tuổi 30 à, đừng vội.”

Cần cả (nhiều) thập kỷ để biết một quyết định sự nghiệp từ tuổi 20 có thành công hay không

Sự nghiệp cần xây dựng bằng cả thập kỷ của tầm nhìn, sự bền bỉ, lao động chăm chỉ và niềm yêu thích với nghề.

Tôi vẫn nhớ, tháng 3 năm 2019, trước khi quyết định bỏ công việc ổn định ở một công ty IT khá lớn là IBM Nhật Bản, sang làm nghề VC (Venture Capital) – đầu tư mạo hiểm này, tôi đã có chuyến thăm tới trường Đại học Stanford để tìm thấy câu nói của Philip H. Knight dưới đây. Câu nói ấy đã thay đổi cuộc đời tôi.

“There comes a time in every life when the past recedes and the future opens. It's that moment when you turn to face the unknown. Some will turn back to what they already know. Some will walk straight ahead into uncertainty. I can’t tell you which one is right. But I can tell you which one is more fun.”

Tocirci đatilde coacute chuyến thăm tới trường Đại học Stanford để tigravem thấy cacircu noacutei thay đổi cuộc đời migravenh của Philip H Knight
"Rồi ai trong đời cũng sẽ gặp một thời điểm mà ở đó quá khứ lùi xa, còn tương lai rộng mở. Đó là khoảnh khắc bạn quay ra đối mặt với thế giới vô biên. Một số sẽ quay đầu trở về chốn an toàn trước đó. Một số khác sẽ bước thẳng về phía trước, tới nơi của những điều bất định. Tôi không rõ cái nào mới đúng. Nhưng tôi biết chắc cái nào thú vị hơn." - Philip H. Knight

Tôi đã chọn bước ra khỏi một công việc ổn định nhưng tẻ nhạt, chuyển sang một công việc theo đúng cái tên của nó, đó là mạo hiểm, với nhiều điều không đoán trước được, nhưng chắc chắn là vui và ý nghĩa hơn. Câu nói đó đã gợi lòng quyết tâm dấn thân với nghề đầu tư mạo hiểm của tôi.

Bắt đầu từ tháng 4 năm 2019, tới nay tôi đã theo sự nghiệp VC của mình được khoảng 3 năm rưỡi, với việc trực tiếp chịu trách nhiệm, dẫn đầu các thương vụ đầu tư vào các startup ở Việt Nam như eDoctor, BuyMed, Vietcetera và Fundiin.

Nhờ chăm chỉ nhiệt tình hoạt động đóng góp vào hệ sinh thái startup ở Việt Nam, tôi có xuất hiện trên một số trang báo và các sự kiện. Khi đó nhiều người đã gửi lời chúc mừng về sự “thành công” của tôi. Nhưng chính vì làm trong nghề đầu tư mạo hiểm mà tôi sớm nhận ra “cái bẫy” ở đây.

Trong VC, chúng tôi hiểu rõ các startup có thể sẽ cần đến hàng chục năm mới có thể tới được đích. Chúng tôi định nghĩa sự thành công không phải ở số lần gọi vốn khủng về cho quỹ, không phải là số thương vụ đầu tư startup, mà là ở số startup đạt được thành công. Có nghĩa là tôi có thể phải bền bỉ đến hàng chục năm mới có thể nhận định mình có thành công hay không.

Nếu bạn đang trong những năm đầu sự nghiệp và cảm thấy lo lắng cho tương lai hay áp lực đồng trang lứa khi thấy ai cũng có vẻ “thành công”, hãy hít một hơi sâu, đừng quá nôn nóng.

Sự thành công của bạn được tính dựa trên lộ trình bạn tự vạch ra và thường cần đến hàng chục năm để đánh giá nó có đúng đắn hay không. Điều bạn có thể làm lúc này là hãy bền bỉ với điều mình thấy “đúng” và liên tục mở rộng kiến thức, mối quan hệ để kiểm chứng và linh hoạt cập nhật cái “đúng”.

Lập gia đình: Đừng vội khi chưa tìm được “co-founder” cho sự nghiệp “work-life integration”

Mọi người thường có ấn tượng như thế nào về người làm VC? Đặc biệt là phụ nữ?

Cuộc trò chuyện ngẫu hứng dưới đây của tôi với một tiền bối đã khiến tôi suy nghĩ thực sự nghiêm túc về quan điểm lập gia đình và chu toàn sự nghiệp của mình.

Đoạn chat với tiền bối đatilde khiến tocirci suy nghĩ về quan điểm worklife balance
Đoạn chat với tiền bối đã khiến tôi suy nghĩ về quan điểm work-life balance.

Đúng, thực sự là nghề VC cần phải làm việc chăm chỉ, nhiều lúc phải làm việc tới muộn, vì khi startup cần mình, họ chưa ngủ, thì mình cũng không thể ngủ được. Nếu ai muốn có sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc (work-life balance), thì tôi nghĩ thật lòng bạn đừng chọn nghề VC.

Nhưng may mắn là tôi tìm thấy IKIGAI – ý nghĩa tồn tại của tôi với nghề VC này. Tôi được sống theo lý tưởng tầm nhìn của mình, tôi được có cơ hội không ngừng học tập phát triển bản thân. Tôi thấy mình có được những bước đi tích cực mỗi ngày. Tôi thấy mình sống có ích, đóng góp giá trị cho cộng đồng.

Dù có ngày thức tới muộn làm việc, được ngủ vài tiếng, thì mỗi sáng tôi dậy được làm công việc mình yêu thích và có ý nghĩa, tôi thấy mình tràn đầy sinh lực để tiếp tục lao động và cống hiến.

Do đó tôi tin rằng, dù không có work-life balance, nhưng tôi may mắn có được work-life integration trong nghề VC, ở đó cuộc sống sẽ càng thăng hoa, gắn kết ý nghĩa hơn nữa cả về gia đình, công việc và cộng đồng xung quanh.

Khi đó, mỗi thành viên trong gia đình có sự đồng cảm lẫn nhau, họ được tỏa sáng với những sứ mệnh của mình. Họ được làm những công việc họ yêu thích, họ truyền cảm hứng lẫn nhau để cùng đi lên.

Sẽ không có bữa cơm nào ngon trọn vẹn, nếu người chồng hay người vợ trở về nhà là cằn nhằn mãi về công việc không yêu thích của họ trong suốt bữa cơm cả. Sẽ không có gia đình nào thực sự hạnh phúc trọn vẹn, nếu ở đó những thành viên không phần nào cảm thấy đủ đầy với công việc của mình.

Tuy khocircng coacute quotworklife balancequot nhưng tocirci may mắn coacute được quotworklife integrationquot Nguồn ảnh thrivercom
Tuy không có "work-life balance", nhưng tôi may mắn có được "work-life integration". | Nguồn ảnh: thriver.com

Mặt khác, những người làm nghề VC như chúng tôi đều ít nhiều có kỹ năng làm việc đa nhiệm, có thể làm việc linh hoạt ở mọi nơi, mọi lúc. Kỹ năng đó sẽ giúp họ kiểm soát thời gian mình muốn có với gia đình. Ví dụ như sếp của tôi, là người Nhật, vẫn có thời gian cùng ăn sáng với gia đình và sau đó trực tiếp đưa con của mình tới trường học mỗi sáng.

Ở cái tuổi của tôi, chắc hẳn mọi người có thể dễ dàng hình dung về áp lực lập gia đình của tôi. Thậm chí, trước ngày sinh nhật tuổi 29 năm ngoái (theo tuổi mụ là 30), khi gọi điện về gia đình, tôi còn được ông bà tự động cộng thêm tuổi để gia tăng áp lực: “31 tuổi rồi, bao giờ cháu chịu lấy chồng đây?”.

Nhưng với những niềm tin bên trên, tôi không muốn vội khi chưa tìm thấy một người phù hợp, có chung tầm nhìn và niềm tin với mình. Việc lập gia đình với tôi cũng giống như tìm một đồng sáng lập (co-founder) phù hợp để cùng đưa startup phát triển thành công.

Việc vội vàng tìm người vào chỗ cho đủ đội hình, cho dù người đó không thực sự phù hợp, sẽ tạo ra “chiếc rổ thủng”. Dù đổ vào chiếc rổ đó bao nhiêu nước đi nữa, thì nước cũng chảy tràn ra ngoài. Startup càng chạy càng đuối. Con thuyền hạnh phúc của tôi cũng dễ bị chìm.

Có thể sẽ hơi tốn thời gian một chút, vì người đó không dễ tìm, nhưng với tinh thần của một người làm nghề VC, tôi vẫn sẽ kiên trì trên hành trình “hợp nhất” hạnh phúc gia đình và sự nghiệp của mình!