Vì sao đau ốm khiến chúng ta đau lòng? | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 02, 2024
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao đau ốm khiến chúng ta đau lòng?

Không phải tại bệnh, không phải tại bạn. Vậy tại ai?
Vì sao đau ốm khiến chúng ta đau lòng?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Bạn có để ý mỗi khi bị ốm chúng ta không chỉ mệt mỏi về mặt thể chất, chân tay rã rời, mình mẩy đau nhức mà đến cả tâm trạng dường như cũng ốm theo. Chúng ta trở nên mít ướt, nước mắt luôn chực chờ tuôn ra, tâm trạng nhạy cảm, thay đổi thất thường, và còn vô vàn phút giây yếu lòng khác.

Thực tế, những phản ứng đó xảy ra khi chúng ta bị bệnh không phải một phút ngẫu hứng từ cơ thể mà là cả một chiến lược công phu của cái tên giấu mặt “hệ thống miễn dịch”.

Hệ thống miễn dịch - Người bảo vệ thầm lặng

Chúng ta thường nghĩ mình thấy mệt do bị bệnh nhưng đây thực chất là kế hoạch của hệ miễn dịch. Cụ thể, hệ miễn dịch sẽ triển khai một tập hợp những "hành vi đau ốm" (sickness behaviours) như một cơ chế chiến đấu để bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh.

Những hành vi đau ốm này sẽ bao gồm: suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung, thay đổi tâm trạng, biếng ăn, mất ngủ, ho, sổ mũi, hắt hơi, nôn mửa,... Lúc này, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, chẳng còn sức lực để thực hiện những hoạt động thường ngày bởi cơ thể cần tập trung năng lượng để tiếp ứng cho hệ miễn dịch chống lại bệnh tật.

Cytokine - Tác nhân “thao túng tâm lý”

Tường tận hơn nữa, nguyên nhân khiến chúng ta “tụt mood” sẽ còn phức tạp thêm đôi chút. Khi bạn tiếp xúc với mầm bệnh, các tế bào bạch cầu của hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất ra cytokine, đây là dạng hoạt chất protein tương đối giống với hormone sẽ lan truyền khắp cơ thể để điều chỉnh tình trạng viêm (inflammation).

Phản ứng viêm đó cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa tác nhân gây bệnh xâm nhập và khởi động quá trình chữa lành. Tuy nhiên trước khi quá trình chữa trị diễn ra và chúng ta cảm thấy khỏe, tình trạng viêm được kích hoạt sẽ gây ra tất cả các triệu chứng khó chịu thường gặp, bao gồm sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể và cảm giác mệt mỏi.

alt
Không phải căn bệnh làm bạn "ngã gục" mà cytokine mới là tác nhân khiến bạn vừa đau ốm vừa đau lòng.

Ashwini Nadkarni, nhà tâm thần học và giảng viên tại Trường Y Harvard giải thích, cytokine sẽ di chuyển đến cả não của bạn, đặc biệt là hồi hải mã, vùng liên quan đến tâm trạng. Khi tình trạng viêm tích tụ trong não, bạn có thể gặp phải những biến động về tâm trạng và các vấn đề về nhận thức. Đây mới chính là nguyên nhân chủ chốt khiến bạn cảm thấy mau nước mắt và nhạy cảm hơn.

Tại sao cơ thể khiến mình tự yếu đi?

Nghiên cứu của Eric C Shattuck đăng trên Evolution, Medicine, and Public Health đã chỉ ra rằng cho dù các hành vi ốm đau gây ra mệt mỏi cho cơ thể, nhưng chúng có thể phục vụ một mục đích chính đáng - buộc bạn phải chậm lại và tiết kiệm năng lượng hơn để cơ thể có thể tập trung vào việc chữa lành.

Hơn nữa, một số nhà khoa học còn tin rằng việc bạn trở nên yếu ớt, nũng nịu hơn là một cách thức nhằm lôi kéo sự chú ý, quan tâm chăm sóc của những người thân yêu để giúp bạn hồi phục nhanh hơn.

Giờ làm sao để lòng thôi đau?

Nhớ rằng tất cả những phản ứng hiện tại của cơ thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang làm việc rất chăm chỉ để giúp bạn hồi phục. Hãy coi lần bị ốm này là một lời nhắc nhở để quan tâm bản thân nhiều hơn, dành thời gian nghỉ ngơi, cố gắng ăn uống đủ chất và có thể tham khảo vài gợi ý dưới đây để lòng mình dịu lại.

alt
Nghỉ ngơi và thư giãn là hai từ khóa quan trọng nhất để thấy yên lòng và khỏe mạnh hơn.
  • Vận động nhẹ nhàng: Nếu bạn vẫn còn đủ sức để thực hiện các bài tập nhẹ như yoga, giãn cơ sẽ giúp lưu thông máu huyết rất tốt, đồng thời có khả năng giải phóng endorphin - một loại hoóc môn cải thiện tâm trạng. Còn ngược lại, nếu bạn chỉ muốn nằm bẹp trên giường thì tư thế nằm ngửa, gác chân lên tường, và uống nhiều nước hơn là một cách ít tốn công sức mà vẫn thúc đẩy quá trình thoát nước và tăng cường trao đổi chất trong cơ thể.
  • Hít thở sâu: Việc làm cực kỳ nhỏ này sẽ cải thiện sức khỏe tinh thần bằng cách kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm của bạn, giúp cơ thể bạn bình tĩnh lại và cho bạn cảm giác thư giãn hơn.
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Ánh nắng mặt trời có thể kích thích não giải phóng serotonin, một loại hormone hoạt động như thuốc chống trầm cảm tự nhiên. Đi dạo, ngồi bên cửa sổ hoặc sử dụng đèn trị liệu bằng ánh sáng có thể giúp bạn tỉnh táo và lạc quan hơn.
  • Viết nhật ký: Viết những gì bạn biết ơn hoặc ghi lại những gì bạn đang cảm thấy là một cách để thực hành chánh niệm, giúp cho bạn bình ổn tâm chí, giải tỏa cảm xúc và có những dữ liệu quý giá về soi chiếu, phản tư với chính mình.
  • Kích thích giác quan: Liệu pháp mùi hương hoặc âm nhạc có thể kích thích các phần khác nhau trong não và làm bạn phân tán khỏi luồng suy nghĩ trầm uất khi bị ốm. Hãy thử thắp một ngọn nến yêu thích, nghe nhạc hay ngâm mình trong bồn tắm có mùi thơm đấy chắc chắn sẽ là những cảm giác rất tuyệt vời.
  • Kết nối với những người thân yêu: Hãy tranh thủ cơ hội tạm gác lại công việc qua một bên để tìm một ai đó gọi điện nói chuyện, nhắn tin than thở chút cho khuây khỏa. Hoạt động này sẽ giúp bạn vơi bớt đi cảm giác cô đơn.

Và cuối cùng, ốm rồi sẽ khỏi, buồn rồi sẽ qua. Sau khi hồi phục, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn và khỏe mạnh trở lại cả về thể chất, cảm xúc lẫn tinh thần.