Việt kiều về nước lập nghiệp: Đâu là cơ hội và thách thức? | Vietcetera
Billboard banner

Việt kiều về nước lập nghiệp: Đâu là cơ hội và thách thức?

Được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, Việt Nam đang thu hút nhiều người Việt xa xứ trở về quê hương để tìm kiếm nguồn cội, bản sắc dân tộc, và cơ hội lập nghiệp.
Việt kiều về nước lập nghiệp: Đâu là cơ hội và thách thức?

Nguồn: Vietcetera

Phiên thảo luận chuyên sâu là một phần của chương trình Vietnam Innovators Summit của Vietcetera. Diễn ra tại The Sentry, phiên thảo luận chuyên sâu thứ hai tập trung khai thác chủ đề cộng đồng Việt kiều về nước lập nghiệp và những cơ hội nào cho họ khi cố gắng hòa nhập vào lực lượng lao động năng động của Việt Nam.

Các diễn giả trong phiên thảo luận với host Hảo Trần bao gồm Quang Đỗ (Oversea Vietnamese), Phúc Phạm (Robert Walters), Tuân Lê (The Lab Saigon), Calvin Lam (InDe Pacific Capital), Cường Đặng (Forbes) và Hoàng Thị Kim Dung (Genesia Ventures).


Những năm gần đây, Việt Nam có những bước nhảy vọt ngoạn mục, trở thành một trong những nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Điều này đã thu hút những người Việt ở nước ngoài quay trở về quê hương lập nghiệp. Có thể họ là những người đã rời xa Việt Nam rất lâu, cũng có người mới đến Việt Nam lần đầu.

Trước xu hướng trên, một trong những phiên thảo luận chuyên sâu trong chuỗi sự kiện Vietnam Innovators Summit đã tập trung vào chủ đề này. Phiên thảo luận đã thu hút sự tham gia của nhiều Việt kiều, họ cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm, suy nghĩ và những bài học.

Cộng đồng Việt kiều

Vào năm 2019, Quang Đỗ, một người Đức gốc Việt, nhận thấy không một tổ chức nào kết nối những người Việt trên khắp năm châu với nhau. Vì vậy, anh đã thành lập một cộng đồng trên LinkedIn mang tên Overseas Vietnamese (OV) - Cộng đồng Việt Kiều. Bước đầu khi xây dựng OV, Quang tìm kiếm và gửi lời mời gia nhập đến tất cả những ai mang họ "Nguyễn" trên LinkedIn. Rồi dần dà, mạng lưới kết nối càng rộng hơn và hiện nay, OV đã cán mốc hơn 20.000 thành viên.

alt
Quang Đỗ, nhà sáng lập của cộng đồng Overseas Vietnamese | Nguồn: Vietcetera

Quang chia sẻ: "OV có thể giúp người Việt trên khắp thế giới tìm thấy nhau, kết nối với nhau, và từ đó mang lại cho nhau nhiều cơ hội công việc bất ngờ vốn khó có được nếu không có nhiều mối quan hệ."

Dù chưa chính thức chuyển về Việt Nam sinh sống, nhưng tính chất công việc của Quang tại Google ở Singapore lại có nhiều liên hệ với quê hương. Hiện anh đảm nhiệm vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển, vì thế anh thường xuyên di chuyển giữa Việt Nam và Singapore.

"Cứ mỗi hai đến ba tháng tôi lại về Việt Nam một lần. Lần nào tôi cũng ngạc nhiên trước tốc độ phát triển của nơi đây và tinh thần khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ Việt."

Tuy nhiên, anh cũng cho biết là để thu hút nhiều Việt kiều về nước định cư lâu dài thì Việt Nam vẫn còn một chặng đường khá dài. Hầu hết các đồng nghiệp gốc Việt của Quang tại Google chưa sẵn sàng đánh đổi lối sống và sự nghiệp ở Singapore để quay về Việt Nam.

Quang vẫn lạc quan, hy vọng "có thể chuyển về Việt Nam trong vòng 5 năm tới khi có cơ hội phù hợp."

Nhưng hiện tại, anh sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh phát triển và thúc đẩy tính gắn kết trong cộng đồng OV. Từ những dòng tin nhắn trao đổi trên LinkedIn trong mùa dịch, các thành viên của OV đã chuyển sang tổ chức các cuộc gặp mặt thường xuyên tại Thành phố Hồ Chính Minh, New York, Paris, London, và Sydney.

Come home ‘phở’ good - Hành trình về nhà

Một cuộc khảo sát của Tập đoàn tư vấn tuyển dụng Robert Walters vào đầu năm nay cho thấy nhiều người Việt định cư ở nước ngoài muốn quay về Việt Nam sinh sống để đền đáp và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, theo ông Phúc Phạm - Country Manager tại Robert Walters Việt Nam, để Việt kiều gia nhập lực lượng lao động trong nước không phải là việc dễ dàng. Họ vốn đã quen với nền giáo dục, lối sống, và phúc lợi xã hội của nước ngoài, nên sẽ tồn tại cả rủi ro lẫn cơ hội nếu muốn thu hút nguồn nhân lực này hoà nhập vào văn hoá làm việc của Việt Nam.

alt
Phúc Phạm, Country Manager của Robert Walters Việt Nam. | Nguồn: Vietcetera

Ông Phúc cũng cho biết là nguồn nhân lực chất lượng cao này rất có sức hút với các doanh nghiệp trong nước vì họ có kinh nghiệm làm việc quốc tế và phong cách làm việc hiện đại. Trước sự nổi lên và mở rộng của nhiều ngành công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng nhân lực cấp cao cũng tăng lên. "Nhiều công ty muốn có thêm nhiều người Việt trong đội ngũ lãnh đạo. Các nhà đầu tư cũng ưu tiên các công ty có người Việt lãnh đạo vì họ có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về thị trường trong nước, và hết mình cống hiến cho công việc."

Nhưng những nhân tài gốc Việt, đặc biệt là ở phương Tây, thường có những tiêu chuẩn rất cao về mức sống, chế độ bảo hiểm, nền giáo dục, và gói lương khi về Việt Nam làm việc. Các công ty trong nước nên cần nhiều thời gian và chuẩn bị hơn để đáp ứng được những yêu cầu này.

Chính vì vậy, Robert Walters đã triển khai chiến dịch "Come Home Phở Good" dành riêng cho thị trường Việt Nam với nỗ lực đưa nguồn nhân lực gốc Việt ở nước ngoài về nước làm việc. Ông Phúc đặt nhiều hy vọng vào sự thành công của chiến dịch này.

"Năm nay có lẽ là năm thành công nhất, thu hút nhiều Việt kiều về nước nhất từ khi khởi động chiến dịch vào năm 2016. Có tới 89% Việt kiều không đổi nơi làm việc trong vòng ít nhất hai năm. Họ không chỉ tìm kiếm cơ hội, mà còn là cơ hội tốt tại một doanh nghiệp phù hợp ở Việt Nam."

Những trải nghiệm của Việt kiều khi về nước

Mỗi người sẽ có những trải nghiệm và cách thức riêng để thích nghi và hòa nhập với lối sống ở Việt Nam.

Với Tuân Lê, một trong những thành viên sáng lập đầu tiên của Vietcetera, quyết định trở về nước cách đây 11 năm mang đến cho anh cả thách thức lẫn cơ hội phát triển cho sự nghiệp và bản thân.

alt
Tuân Lê, nhà sáng lập và Giám đốc Sáng tạo của The Lab Saigon. | Nguồn: Vietcetera

Anh chia sẻ, ước gì anh tìm hiểu kỹ thị trường trong nước trước khi trở về. Là một người có khiếu kinh doanh, Tuân từ bỏ công việc đầy triển vọng ở Dubai để lập nghiệp ở Sài Gòn. Đầu tiên anh khởi nghiệp với mô hình "co-working space" (dịch vụ cho thuê không gian làm việc chung), rồi sau đó là quán cà phê, quán bar, và bây giờ anh Tuân là nhà sáng lập của The Lab Saigon - công ty sáng tạo đứng sau nhiều chiến dịch truyền thông táo bạo.

"Tôi ước mình đã không quá tự tin khi mới về Việt Nam. Lúc đó, tôi nghĩ mình những gì mình sở hữu nhiều thứ có thể mang lại giá trị tại đây. Nếu tôi tìm hiểu kỹ và khảo sát thị trường trước, thì có lẽ tôi sẽ không phải đóng cửa công ty đầu tiên của mình."

Cường Đặng cũng có trải nghiệm tương tự. Trước khi về Việt Nam vào năm 2017, ông đã có 20 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Trước khi đảm nhiệm vị trí CEO và Partner của Forbes Việt Nam, ông Cường đã từng làm việc trong lĩnh vực hậu cần, vận tải, và nhà máy bia khi mới về nước.

alt
Cường Đặng, CEO của Forbes Vietnam. | Nguồn: Vietcetera

Ông chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, vì vậy việc về nước với tôi cũng không quá lạ lẫm. Tôi về nước đầu những năm 2000 khi kinh tế trong nước bắt đầu tăng trưởng. Nếu tôi theo dõi sát sao hơn tình hình và cơ hội ở Việt Nam, tôi sẽ quyết tâm về nước sớm hơn."

Ngoài là CEO của Forbes Việt Nam, ông Cường còn là một nhà đầu tư và cố vấn cấp cao.

Hoàng Thị Kim Dung lại có trải nghiệm khá khác biệt với hai câu chuyện trên. Chị là chuyên viên đầu tư thuộc Quỹ đầu tư Genesia Ventures có trụ sở tại Nhật Bản. Chị đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể rời Tokyo và về Việt Nam làm việc hai năm trước.

"(Khi mới về nước) Tôi đã thăm thú hết mọi siêu thị, khu vực và quận huyện trong thành phố để tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn còn tìm hiểu và trao đổi với người dân địa phương để đón nhận Việt Nam một cách trọn vẹn."

alt
Hoàng Thị Kim Dung, Associate tại Quỹ đầu tư Genesia Ventures. | Nguồn: Vietcetera

Dung cũng là người giúp Genesia Ventures thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 2019. Từ đó, Genesia Ventures đã đầu tư vào nhiều startup giai đoạn đầu, trong đó có Vietcetera.

Calvin Lam - Managing Director của quỹ đầu tư InDe Pacific Capital - rất tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam. Calvin về nước gần hai thập kỷ trước, mang theo vốn kiến thức và kinh nghiệm quý giá từ Thung lũng Silicon. Ông đầu tư vào bất động sản trước khi chuyển sang mảng thời trang tiêu dùng và cổ phần tư nhân. Calvin cũng là một trong những nhà đầu tư thiên thần của Vietcetera.

Ông cho biết, do hầu hết các công ty trong nước vẫn còn giữ cơ cấu tổ chức truyền thống, nên Việt Nam vẫn là một môi trường thách thức cho những người đã quen làm trong những doanh nghiệp lớn. Nhưng với doanh nhân thì đây là một thiên đường.

"Việt Nam có thể là một địa điểm lý tưởng để lập nghiệp vì có dân số trẻ và am hiểu công nghệ." - Calvin cũng nhấn mạnh là Việt Nam đã trải qua những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế xã hội, nên cơ hội startup và phát triển doanh nghiệp là rất lớn.

alt
Calvin Lam, nhà sáng lập của quỹ đầu tư InDe Pacific Capital và là nhà đầu tư thiên thần của Vietcetera. | Nguồn: Vietcetera

"Về nước thì không có thời điểm nào là 'quá sớm' hay 'quá muộn'. Việt Nam luôn thay đổi liên tục, và mỗi giai đoạn sẽ tiềm ẩn những cơ hội khác nhau. Tất cả phụ thuộc vào bạn muốn đạt được điều gì ở đây."

Một số hình ảnh trong Phiên thảo luận chuyên sâu thứ hai với chủ đề "Come Home Phở Good":

alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm