1. Chuyện gì đã xảy ra?
Vào rạng sáng ngày 8/12 (giờ Việt Nam), tờ TIME đã công bố Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là Nhân vật của năm 2022 (TIME’s Person of the Year) cùng với Tinh thần Ukraine (The Spirit of Ukraine).
Thông tin này không gây nhiều bất ngờ, bởi truyền thông phương Tây đã luôn ưu ái Ukraine trong xung đột quân sự với Nga. Vinh danh của Time cũng gây nhiều tranh cãi và gợi nên những liên tưởng thú vị về mô-típ chính trị được "giải trí hoá," tạo ra một thế hệ lãnh đạo "trái ngành." Một lãnh đạo thời chiến, tay cầm súng, tay cầm smartphone như Zelensky là ví dụ tiêu biểu.
2. TIME lý giải lựa chọn của mình ra sao?
Ông Edward Felsenthal - Tổng biên tập của TIME - nói rằng Tổng thống Zelensky đã “tạo cảm hứng cho thế giới theo cách mà đã hàng thập kỷ nay chúng ta chưa được chứng kiến.”
Điều này cho thấy tiêu chí xuyên suốt của TIME khi chọn nhân vật cho danh hiệu: nhân vật phải là người có tầm ảnh hưởng lớn tới nhân loại trong năm đó, và sự ảnh hưởng này có thể là tiêu cực hoặc tích cực.
Trong bài viết công bố danh hiệu, ký giả Simon Shuster của TIME ghi nhận những nỗ lực của cá nhân ông Zelensky khi điều hành một đất nước trong chiến tranh. Bài viết nhấn mạnh vào sự gắn kết giữa ông và đất nước, người dân Ukraine thông qua việc từ chối di tản khi chiến sự nổ ra vào tháng hai hay chấp nhận rủi ro khi đích thân đi thăm Kherson - vùng chiến sự mới được giải phóng.
Một chi tiết thú vị được TIME nhấn mạnh về tác động của ông Zelensky lên cục diện cuộc chiến là việc ông tập trung chiến đấu trên “chiến trường thông tin” (information war) để thu hút sự chú ý của thế giới. Khi binh lính và người dân Ukraine cầm súng trên chiến trường, ông Zelensky cầm điện thoại và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế trên mặt trận truyền thông.
TIME còn nhắc tới tập thể người dân Ukraine bên cạnh Tổng thống của họ. TIME vừa thể hiện tình cảnh của những người trong vùng chiến sự, vừa cho thấy thứ mà họ gọi là Tinh thần Ukraine: sự kiên trì, bền bỉ, và đức hy sinh của nhân dân.
Có thể nói, thành công lớn nhất của Zelensky trong lĩnh vực giải trí là đóng vai một tổng thống. Còn thành công lớn nhất trên đường chính trị của ông, là trở thành một nhà giải trí đại tài giữa các "làn đạn" truyền thông.
3. Còn những ai được TIME xướng tên?
Tổng thống Zelensky đã vượt qua nhiều ứng viên khác trong danh sách rút gọn của TIME. Các “đối thủ” của ông đều là những người “nặng ký”: từ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hay “Twit chúa” Elon Musk tới bà Janet Yellen - nữ Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ đầu tiên, hay vợ cũ của Jeff Bezos là MacKenzie Scott.
Song song với đó, có nhiều tập thể khác cũng được nhắc tới trong danh sách rút gọn như Tòa án Tối cao Mỹ, tập thể những cá nhân kêu gọi an toàn súng đạn, hay những người phụ nữ biểu tình tại chống lại áp bức tại Iran.
Riêng với trường hợp những người biểu tình tại Iran, dù không là Nhân vật của năm nhưng họ vẫn được vinh danh trong một hạng mục khác của TIME. Đó là hạng mục Anh hùng của năm (Heroes of the Year).
Nhóm nhạc Blackpink được tôn vinh là Nghệ sĩ của năm (Entertainer of the year) và diễn viên Hollywood Michelle Yeoh (Dương Tử Quỳnh) xuất hiện trong hạng mục Biểu tượng của năm (Icon of the year). Một số cái tên khác được vinh danh là vận động viên bóng chày Aaron Judge, nhà thiên văn Gregory Robinson và kính viễn vọng James Webb.
4. Một diễn viên hài lãnh đạo đất nước như thế nào?
Điều khiến ông Zelensky bị chỉ trích nhiều nhất trên cương vị Tổng thống là việc ông xuất thân là diễn viên hài và có lẽ không có kỹ năng cũng như kiến thức cần thiết đề điều hành một đất nước. Trước khi chiến tranh nổ ra, nhiệm kỳ của ông Zelensky chưa mang lại được nhiều thay đổi so với những người tiền nhiệm.
Ấy vậy mà, thông qua xung đột Nga-Ukraine, ông Zelensky đã chứng minh được giá trị của mình. Từng là một diễn viên nổi tiếng, ông có sự nhạy cảm với máy quay, có thể đọc tâm trạng của đám đông, có khả năng diễn thuyết.
Quan trọng nhất, kinh nghiệm sản xuất phim và làm việc với truyền thông đã cho ông thấy tầm quan trọng của cuộc chiến thông tin, và cách để giành lợi thế trên mặt trận truyền thông. Ông tận dụng những kinh nghiệm đó để tạo ra một phương cách làm chính trị mới, trong đó ranh giới giữa truyền thông giải trí và chính trị bị xóa mờ.
Điều thú vị là trước khi làm Tổng thống, ông Zelensky từng đóng vai Tổng thống Ukraine trong series phim Đầy tớ của Nhân dân (Servant of the People, 2013). Trong bộ phim, “Tổng thống Zelensky” đã hứa rằng sẽ trong sạch, minh bạch, và cống hiến cho nhân dân thay vì đâm đầu theo những nhóm lợi ích.
Bộ phim xuất hiện và trở nên nổi tiếng qua hai đời tổng thống Ukraine là Viktor Yanukovych và Petro Poroshenko. Hai vị này, người trước hiện đã bỏ xứ và lưu vong ở Nga, người sau thất bại trong việc khắc phục tình trạng tham nhũng và cải tổ đất nước.
Trong hoàn cảnh đó, ông Zelensky và lời hứa từ năm 2013 của ông trở thành nơi đặt niềm tin của người Ukraine. Họ dường như đã quá chán nản với giới chính trị, thay vào đó chọn một biểu tượng đại chúng.
Chính hình tượng mà ông Zelensky xây dựng trên màn ảnh đã dọn đường cho ông trở thành Tổng thống của Ukraine. Cách tổ chức chính quyền của ông cũng được bê nguyên từ trên màn ảnh: nhiều thành viên trong nội các đều là người của đoàn làm phim, khiến cho bộ máy điều hành đất nước giống như một đội ngũ sản xuất (production house).
5. Ngoài ông Zelensky, còn nguyên thủ nào “trái ngành, trái nghề?”
Trong lịch sử, đã có một số nhân vật lãnh đạo đất nước mà không hề có kinh nghiệm làm chính trị hay làm chính sách trước đó. Cái tên nổi tiếng nhất phải là Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan. Giống như Zelensky, ông Reagan cũng là một diễn viên.
Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, ông đã sử dụng kỹ năng diễn xuất của mình rất thành thục để lừa Liên Xô rằng Mỹ khi ấy đang đưa vũ khí và quân lực lên vũ trụ, khiến Liên Xô tốn nhiều tài nguyên để chạy đua trên đường chạy lên mặt trăng.
Một nhân vật khác là ông George Weah - Tổng thống thứ 25 của Liberia, cũng là cựu tiền đạo của câu lạc bộ AC Milan. Sau khi thành danh trong giới bóng đá với một loạt danh hiệu, ông đã trở thành một chính trị gia, một nhà hoạt động vì quyền con người. Sau hai lần tranh cử thất bại, ông chính thức trở thành Tổng thống vào năm 2018.
Một cái tên khác, quen thuộc và gần đây hơn, là ông Donald Trump, người vốn là một doanh nhân trước khi làm chính trị. Một số diễn viên khác đổi ngành làm lãnh đạo còn có ông Jimmy Morales - Tổng thống Guatemala, ông Lech Kaczyński - Tổng thống Ba Lan.