Xin 'in tư' sao cứ phải 'kính thưa hội đồng xét xử?'  | Vietcetera
Billboard banner

Xin 'in tư' sao cứ phải 'kính thưa hội đồng xét xử?' 

Xin phép: chê.
Xin 'in tư' sao cứ phải 'kính thưa hội đồng xét xử?' 

Tại sao ta nên hạn chế xin thông tin cá nhân (in tư) người khác?

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Hình ảnh nữ sinh N.H.A (lớp 7) xuất hiện trong thời sự VTV1 mới đây đã nhanh chóng "gây bão", như lời cộng đồng mạng chia sẻ. Tuy nhiên, hình ảnh đẹp trong ngày tựu trường nhanh chóng trở nên xấu xí bởi bài đăng của một số fanpage và bình luận của cộng đồng mạng.

Cụ thể, không ít người ngỏ ý xin thông tin cá nhân (in tư, thường là địa chỉ mạng xã hội) của nữ sinh N.H.A. Sự việc đi xa hơn khi một số fanpage hàng chục nghìn người theo dõi cũng đăng các bài viết với dòng chữ: “kính thưa…”. Đồng thời, cộng đồng mạng đồng loạt bình luận cùng mẫu câu "kính thưa hội đồng xét xử."

Kể cả dưới góc độ lời đùa, thì đây là những lời trêu đùa xấu xí liên quan đến tình dục (sex joke). Những bình luận này có hàm ý giễu cợt và quấy rối tình dục qua mạng.

2. Dư luận phản ứng thế nào?

Dư luận nhanh chóng chia thành nhiều luồng ý kiến xung quanh sự việc này. Một số người tiếp tục bằng những bình luận khiếm nhã khác, thậm chí rất ác ý hơn như "mới lớp 7 đẻ thì hơi sớm," hay "các bạn đừng có định hướng nghiệp cho em nó sớm quá."

Những bình luận này nối dài bằng các tiếng lóng nhằm ý miệt thị, hạ nhục phụ nữ và bé gái. Xu hướng bình phẩm này không có xu hướng dừng lại khiến một số fanpage phải cảnh báo sẽ khóa tài khoản nếu còn tiếp tục bình luận khiếm nhã.

Hành động xin "in tư" khiễm nhã bị chỉ trích trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, có nhiều người lên án những hành động thiếu văn minh này. Họ nhấn mạnh việc bình luận “kính thưa hội đồng xét xử” không phải là câu đùa, không chứng minh được độ ngầu (edgy), và thậm chí là đồi bại.

Một số khác lại cho rằng các fanpage đăng thông tin và hình ảnh của nữ sinh lớp 7 kể trên là nhằm thu hút tiếng tăm nhưng lầm đường lạc lối. Nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất và sau cùng vẫn là một bé gái còn cắp sách đến trường.

3. Tại sao nhiều người muốn xin “in tư” người khác?

Đứng trước một người xa lạ (sao mới nổi, hiện tượng trên mạng) mà ta mù tịt thông tin về họ, chúng ta có thường có xu hướng muốn xin “in tư” của họ. Điều này có thể bắt nguồn từ tính hiếu kỳ, hay tò mò bởi vì đó là bản năng sinh tồn của con người.

Theo giáo sư ngôn ngữ và phát triển Katherine Twomey, tò mò là một bản năng giúp hỗ trợ quá trình sinh tồn của loài người. Một cách thể hiện phổ biến của sự tò mò là mong muốn biết những đặc tính của người khác, bao gồm thông tin riêng tư của họ.

Nhà xã hội học Louis Wirth (Mỹ) đã từng chỉ ra một đặc trưng của đô thị (thành phố) trong bài viết Urbanism as a way of life (Đô thị như một lối sống). Theo Wirth, đó là sự chuyển đổi giữa giao tiếp liên cá nhân, trực tiếp sang giao tiếp gián tiếp.

Một hiện tượng gây bão trên mạng phần nào đó phản ánh nhu cầu giao tiếp của cộng đồng (cả thực lẫn trên mạng.) Ở đây, nhờ sự phát triển của truyền thông đại chúng và mạng xã hội mà nhu cầu "nhìn trộm", "nghe lén" đạt đến phẩm cấp mới.

Mỗi người xin in tư người khác vì một mục đích khác nhau. Tuy nhiên, việc công khai xin thông tin ngầm xác định mình đang làm điều mà nhiều người đã làm. Vì thế, họ xác định được danh tính và sự tồn tại của mình trong một cộng đồng nào đó.

4. Mặt trái của việc xin “in tư” là gì?

Giống như thí chủ cho xin link, "in tư" được cộng đồng mạng Việt Nam sử dụng có phần khiếm nhã. Dưới vỏ bọc của sự hài hước, người ta không ngại xin xỏ thông tin của bất cứ một ai. Họ xin “in tư” khi ai đó bị lộ clip nóng trên mạng. Họ xin “in tư” khi bình phẩm về ngoại hình của một người lạ trên mạng.

Trên khía cạnh luật pháp Việt Nam, hành động truyền tay nhau thông tin cá nhân ở cấp độ nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến doxxing thông tin. Vì thế trong một số trường hợp, việc xin "in tư" cũng có thể là hành động xâm phạm quyền riêng tư người khác.

5. Tại sao một số người núp bóng để giễu cợt người khác?

Huýt sáo và hò hét đưa ra lời bình luận là hai biểu hiện phổ biến của catcall, mô tả hành động hò hét quấy rối tình dục, đưa ra nhận xét khiếm nhã hay công kích một cách công khai.

Những người catcalling thường biểu hiện sự thiếu tôn trọng, ngưỡng mộ với vẻ đẹp phẩm chất, giá trị đích thực của người phụ nữ. Nó xuất hiện trong các bộ phim và rồi xuất hiện ngoài đời thực, trên đường phố.

Việc xin “in tư” đi kèm với cụm từ "kính thưa hội đồng xét xử" cũng giống như một biểu hiện của catcall trên mạng xã hội ngày nay. Những bình luận này phản cảm chẳng khác nào tiếng huýt sáo trên đường phố của những bạn trẻ edgy vốn tưởng là mình đùa vui hay rất ngầu.

Dường như catcall đã tiến xa hơn một bước trong thời đại mạng xã hội. Một số người dễ dàng giễu cợt hoặc quấy rối tình dục, nhận xét khiếm nhã nhưng lại có thế núp bóng dưới sự ẩn danh hoặc nick ảo. Nói cách khác mạng xã hội giúp một số người catcalling người khác một cách công khai trong sự bí mật.