5 Điều mà bạn không nên gắn liền với chiếc giường | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 10, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

5 Điều mà bạn không nên gắn liền với chiếc giường

Mùa dịch ở nhà khiến không ít người "tích hợp" 7749 hoạt động trên giường ngủ. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần hơn bạn nghĩ.
5 Điều mà bạn không nên gắn liền với chiếc giường

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Trong những ngày phải ở nhà toàn thời gian vì dịch bệnh, phạm vi chức năng của chiếc giường (vốn chỉ để ngủ là chính) bắt đầu tích hợp thêm nhiều sinh hoạt khác. Chiếc giường dần trở thành một địa điểm “đa năng”: từ làm việc, giải trí và thậm chí là cả…ăn uống.

Giường ngủ là nơi vô cùng dễ chịu dù bạn có làm gì trên đó, nhưng để đảm bảo chất lượng cuộc sống về lâu dài thì bạn nên hạn chế làm những điều sau:

1. Làm việc

Có thể là bạn không làm những việc chính trên giường nhưng đã bao giờ bạn "tranh thủ" họp online, kiểm tra email, bàn luận công việc trong nhóm chat sau khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ chưa?

Vốn dĩ, làm tại nhà đã khiến thời gian làm việc khó kiểm soát hơn thông thường nhiều. Mang việc lên giường thậm chí cho phép ranh giới giữa nghỉ ngơi và công việc càng trở nên khó phân định. Giường ngủ từ chỗ vốn được nhận diện để nghỉ lại trở thành nơi làm việc, khiến nhịp sinh hoạt lành mạnh bị xáo trộn nặng nề. 

Giường ngủ không được thiết kế tối ưu để bạn làm việc. 

Bên cạnh đó, làm việc trên giường còn dẫn đến đau mỏi vùng cổ (tech neck) và cột sống do giường ngủ vốn không được thiết kế để tối ưu tư thế làm việc. Chưa kể đến khả năng bạn tiện thể đánh một giấc giữa giờ làm và phải làm bù sau giờ nghỉ. 

Thay vào đó, hãy nghiêm khắc chuyển toàn bộ những gì mang phạm trù công việc (dù là nhỏ nhất) ra khỏi chiếc giường, tốt nhất là nơi bạn có thể ngồi đúng tư thế. Rạch ròi giữa không gian nghỉ ngơi và làm việc cũng là ra hiệu cho não ngưng nghĩ về công việc sau khi đã tan ca.

2. Ăn uống

Không giống những hoạt động khác, nếu đã ăn uống trên giường thì hiếm khi bạn làm nó riêng lẻ mà không tích hợp với xem phim, đọc sách, lướt web.

Việc tích hợp này rất dễ khiến cho bạn ăn trong trạng thái vô thức (mindless eating). Kết cục là trước khi kịp nhận ra bạn đã chén sạch bịch snack to tướng trong lúc đang xem Netflix dù trước đó tự nhủ là chỉ ăn chút thôi. 

Việc ăn uống trên giường khi diễn ra cùng những hoạt động khác dễ khiến bạn ăn trong vô thức.

Bên cạnh đó, “căng da bụng thì chùng da mắt” và còn gì tiện hơn việc ngủ một giấc khi bạn đang ở sẵn trên giường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh đi ngủ ngay sau khi ăn thì không hề tốt cho hệ tiêu hóa nói riêng (dễ bị khó tiêu, ợ nóng, trào ngược axit dạ dày) và sức khỏe nói chung (tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch). 

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách phục vụ cho những nhu cầu khác nhau. Nếu không có phòng ăn riêng, ít nhất hãy đảm bảo bạn không ăn trên giường, như kê một chiếc bàn nhỏ dưới đất chẳng hạn. 

3. Bất kỳ điều gì dẫn đến cảm xúc tiêu cực

Điều này bao gồm cãi nhau, cập nhật tin tức trong ngày, hóng drama mạng, suy nghĩ về deadline,...

Theo Giáo sư Khoa học Thần kinh Sean Drummond, trạng thái căng thẳng và lo lắng sẽ gửi những tín hiệu lên não khiến nó cho rằng giường ngủ là nơi để tỉnh táo và suy nghĩ thay vì là nơi để nghỉ ngơi và thư giãn.

Thậm chí về lâu dài chiếc giường còn vô tình trở thành “tác nhân gây kích thích có điều kiện” (conditioned arousal trigger). Dù bạn có ngủ quên khi đang xem TV ở phòng khách nhưng nếu đi vào giường ngủ, mắt bạn sẽ lại mở tháo láo và tâm trí vẫn tiếp tục rong ruổi, bởi não đã ra hiệu cho giường ngủ đánh thức bạn. 

Nếu cứ giữ cảm xúc tiêu cực trên giường, não của bạn sẽ nhận diện đây không phải là nơi để ngủ. 

Nếu suy nghĩ tiêu cực là điều không thể tránh khỏi, ít nhất hãy giữ những tác nhân khiến bạn phải nghĩ ngợi (laptop, điện thoại, sổ tay ghi chép công việc) ra khỏi giường để tránh việc não xem chúng là một. 

4. Lướt mạng xã hội

Không thể phủ nhận, việc lướt mạng xã hội trên giường rất cám dỗ. Phần vì mạng xã hội được thiết kế tài tình để bạn khó rời mắt. Phần vì chúng ta có xu hướng trì hoãn giờ ngủ để bù lại giờ nghỉ vì nhịp sống bận rộn trong ngày.

Tuy nhiên, những tin tức hấp dẫn không hồi kết sẽ kích thích não thức tỉnh dù cơ thể đã báo hiệu cần nghỉ ngơi. Không chỉ dừng lại ở việc gây mất ngủ, cảm giác thoải mái của việc vừa nằm trong “chăn ấm nệm êm” vừa bị cuốn vào dòng newsfeed không hồi kết còn trực tiếp dẫn đến thói quen tiêu thụ nội dung quá đà (binge-watch). 

Dù khá khó, bạn nên để điện thoại ngoài tầm với khi nằm trên giường, hoặc ít nhất là dây sạc để giới hạn thời gian sử dụng. 

Một mẹo nhỏ nữa là bạn có thể chuyển điện thoại sang chế độ màn hình xám (grayscale mode) nhằm giảm bớt độ hấp dẫn của các ứng dụng đầy màu sắc, hay các thông báo kích thích sự tò mò. Bạn có thể xem cách thiết lập grayscale mode của iOS tại đây và Android tại đây

5. Luyện phim

Hẳn chúng ta ai cũng ít nhất một lần “cày” liền tù tì cả mùa của một series hấp dẫn trên giường. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia sức khỏe giấc ngủ Martin Reed, luyện phim trên giường cũng chính là huấn luyện cho não bộ nhận diện giường là nơi xem phim thay vì để ngủ. Ngoài ra, bạn còn có thể vô tình ngủ quên khi phim còn chạy, khiến ánh sáng màn hình và âm thanh can thiệp gây rối loạn giấc ngủ.

Ánh sáng lẫn âm thanh sẽ dẫ đến rối loạn giấc ngủ nếu bạn ngủ quên khi coi phim.

Nếu được, bạn nên để TV ra ngoài phòng ngủ hoặc xem phim ở khu vực khác trong phòng. Đảm bảo rằng khu vực giường chỉ phục vụ cho việc ngủ mà thôi. Xem phim ở một địa điểm khác cũng giúp bạn có ý thức về giờ giấc hơn (đã tới giờ ngủ mà mình vẫn chưa nằm trên giường), tránh được việc binge-watch cả một series phim do quên mất thời gian.