Các kiểu cầu toàn thường gặp: Bạn theo đuổi sự hoàn hảo nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
10 Thg 12, 2020
Tâm Lý Học

Các kiểu cầu toàn thường gặp: Bạn theo đuổi sự hoàn hảo nào?

Không chỉ đơn thuần là sự cầu toàn, một tính cách perfectionist còn có thể được chia ra thành nhiều loại nữa đấy! Bạn thuộc loại cầu toàn nào sau đây?

Các kiểu cầu toàn thường gặp: Bạn theo đuổi sự hoàn hảo nào?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Những người cầu toàn thường được biết đến với những mô tả tiêu cực như: cố gắng trở nên hoàn hảo, đặt yêu cầu thiếu thực tế, phản ứng thái quá với lỗi sai và lời phê bình.

Tuy nhiên, cũng như các tính cách khác, tính cầu toàn nên được nhìn nhận trên một phổ (spectrum) chứ không chỉ hai đầu trái ngược. Tìm kiếm điểm dung hòa là cách tốt nhất để tận dụng ưu điểm của việc luôn hướng đến tiêu chuẩn cao, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nó lên sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ của bạn.

Muốn vậy, trước hết bạn cần hiểu được chủ nghĩa hoàn hảo trên các phương diện khác nhau.

Ba hình thức của chủ nghĩa cầu toàn 

Theo nghiên cứu của Hewitt và Flett năm 1991 được đăng trên Psychology Today, có 3 hình thức cầu toàn:

Perfectionism 1
Ba hình thức cầu toàn

1. Cầu toàn với bản thân (Self-oriented perfectionism)

Ở mức độ lành mạnh, hình thức này giúp bạn luôn tận tâm, tư duy có tổ chức và quyết đoán, đảm bảo năng suất và hiệu quả cao, nhưng luôn giữ mục tiêu nằm trong khả năng. Còn khi rơi vào mức thiếu lành mạnh, những cá nhân này lại rất khắt khe với bản thân, luôn tự dằn vặt, lo sợ và thậm chí dẫn đến những chấn thương tâm lý.

2. Cầu toàn với người khác (Other-oriented perfectionism)

Khi một cá nhân luôn đặt ra tiêu chuẩn cao cho người khác, họ thể hiện mình là một người thường chỉ trích và phán xét. Họ thấy phiền lòng khi người xung quanh không biết cố gắng, không chịu được khi phải chứng kiến người khác mắc lỗi. Khi giao cho ai việc gì đó, họ luôn mong đợi một kết quả “hoàn hảo". 

3. Nhận áp lực về sự hoàn hảo từ xã hội (Socially prescribed perfectionism)

Các cá nhân chịu áp lực này có điểm chung là thường hay tự phê bình. Họ có gánh nặng phải trở thành người giỏi nhất và luôn sợ mình trở nên vô dụng, cuối cùng bị người khác từ chối. Họ buộc chặt giá trị bản thân với những tiêu chuẩn thiếu thực tế mà gia đình, văn hoá công sở hoặc xã hội đặt ra, thông thường dẫn đến cảm giác tự ti và lo âu thường trực.

Cầu toàn có thể tự nhiên sinh ra nhưng sẽ không tự nhiên mất đi

Theo nghiên cứu, cầu toàn có thể do di truyền hoặc quá trình nuôi dưỡng, hoặc cả hai, nhưng nó sẽ không tự nhiên mất đi khi bạn lớn lên. Ngược lại, mức độ cầu toàn sẽ tỉ lệ thuận với độ tuổi của bạn. 

Theo kết luận từ nhóm nghiên cứu của Martin Smith tại Đại học York St. John (Anh), sau một thời gian bị mắc kẹt trong những kỳ vọng bất khả thi, những người cầu toàn sẽ dần có cái nhìn ảm đạm về quá khứ của mình và nghĩ chúng chỉ toàn là thất bại. Dần dần, họ rơi vào vòng lặp phủ nhận bản thân.

Perfectionism 2
Tính cầu toàn không tự nhiên mất đi, nhưng có thể dịch chuyển từ việc thiếu thích nghi và thiếu lành mạnh sang hướng có lợi hơn.

Tuy nhiên, bạn có thể dịch chuyển tính cầu toàn của mình sang hướng lành mạnh hơn, được gọi là chủ nghĩa hoàn hảo mang tính thích nghi (adaptive perfectionism). Bạn vẫn giữ tiêu chuẩn cao cho mình, điều kiện tiên quyết là chúng luôn theo sát điểm mạnh và điểm yếu của bạn, không đòi hỏi những gì quá sức. Nhờ vậy bạn thường hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn và đạt được thành công.

Tính cầu toàn bắt đầu “độc hại" khi bạn chăm chăm theo đuổi một tiêu chuẩn không cách nào với tới; hoặc quá quan tâm về kết quả “hoàn hảo" đến mức không có gì là “đủ tốt”. Nó chỉ mang lại cho bạn những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, trì hoãn, thiếu tự tin và tự chủ, lo âu và trầm cảm. Đây được gọi là chủ nghĩa hoàn hảo thiếu thích nghi (maladaptive perfectionism).

Hướng đến một trạng thái dung hoà của cầu toàn

Đó là khi bạn có thể cân bằng giữa việc đảm bảo hiệu suất cao, nhưng không ép mình quá sức. Đặc điểm của trạng thái dung hoà này đó là:

  • Bạn biết cách đối mặt với cảm giác không thoải mái như sợ hãi, thiếu chắc chắn. Nhờ đó, bạn vượt qua sự trì hoãn và đón nhận phê bình phù hợp.
  • Tận hưởng quá trình thay vì chỉ tập trung vào kết quả.
  • Đặt mục tiêu cao nhưng vẫn thực tế cho bản thân, đồng thời biết cách điều chỉnh khi cần thiết.
  • Thừa nhận rằng mình không thể ôm đồm toàn bộ và uỷ quyền cho người khác khi cần thiết.
  • Xác định được giá trị của bản thân, nhanh chóng hồi phục sau những trở ngại hoặc sai lầm nhỏ.
Perfectionism 3
Tốt nhất là tìm được trạng thái dung hoà để tận dụng mặt lợi của tính cầu toàn.

Kết

Đôi khi cầu toàn trong công việc khiến những thông tin quan trọng không bị lỡ mất, cầu toàn với những người khác giúp thành quả chung trở nên tốt hơn, cầu toàn vì những người xung quanh có thể tạo ra giá trị lớn lao. Tuy nhiên, ở mức độ tiêu cực, sự cầu toàn có thể đi liền với biểu hiện cứng nhắc, khó tính hoặc hy sinh quá mức.

Vấn đề là người cầu toàn thường trượt ra khỏi điểm cân bằng và bóp méo hình ảnh về sự hoàn hảo. Điều này khiến họ dễ gặp những bất ổn tâm lý và khó thoát ra cái bẫy do chính mình tạo nên.

Đôi khi cụm từ “hoàn hảo" khiến một số người tự hào với tính cách này của mình mà bỏ qua sự thật rằng họ đang dần kiệt sức và đánh mất niềm vui trong cuộc sống. Chỉ khi tính cầu toàn giúp bạn đạt được những thành công trong tâm thế thoải mái, đó mới là lúc bạn có thể thật sự tự hào.