Cởi Mở: Vì sao chúng ta nên bắt đầu nói về tình dục? | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 01, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Cởi Mở: Vì sao chúng ta nên bắt đầu nói về tình dục?

Nói về tình dục chính là nói về trải nghiệm làm người. 

Cởi Mở: Vì sao chúng ta nên bắt đầu nói về tình dục?

Nguồn: Sex Education (2019)

Năm 7 tuổi, tôi bị một người họ hàng ôm ghì lấy và cho tay vào quần áo sờ soạng. Trong cơn hoảng loạn, tôi há miệng to, “cạp” cho ông ta một cái rồi bỏ chạy. 

Buổi tối, trong bữa cơm gia đình, tôi thản nhiên thuật lại ngày của mình, “Ông X cho tay vào quần con, đau quá nên con nghỉ chơi ông. Từ giờ bố mẹ đừng cho ông X đến nhà nữa.”

Một đứa bé chưa biết tình dục là gì, nên nó cũng không biết xấu hổ.

Mẹ tôi nghe xong trượt tay đánh rơi bát cơm, bố tôi cau mày. “Không được nói với ai về chuyện này nữa, nghe chưa?” tôi bị răn. Tuy hơi khó chịu vì mệnh lệnh vô lý này, tôi yên tâm rằng mình không bao giờ phải gặp lại ông X nữa. 

Mãi về sau tôi mới biết sự vô tư của mình đã cứu mình khỏi bị xâm hại tình dục.

Và cũng mãi về sau, tôi mới biết có rất nhiều người như mình không dám lên tiếng. Vì tình dục là một chủ đề cấm kỵ. Tất cả những thứ xoay quanh nó, dù sướng hay khổ, nguy hiểm hay an toàn, đúng hay sai, cũng nên được giữ im lặng - hoặc ít nhất đó là những gì tôi được dạy.

Tôi là chủ biên của series Cởi Mở, và đây là những lý do tôi quyết định bắt đầu nói về tình dục.

Tình dục là một chủ đề đầy nhân tính

Trong quá trình trưởng thành, tôi từng nghe nhiều người lớn răn đe rằng tình dục là phần “con”, không phải phần “người”.

(Bản full: Tình dục là nhơ nhuốc và thấp kém => Nói về tình dục, bất luận ở khía cạnh và thái độ nào, đều khiến bạn nhơ nhuốc và thấp kém => Tình dục = sự hổ thẹn).

Trong trường học, tôi lại được dạy hơi khác: bản thân con người đã là một loài động vật, chính xác hơn là một loài động vật có vú tên homo sapiens. Đó là một sự thật khoa học. Việc mình có xấu hổ hay không lại chẳng liên quan gì đến việc nó có đúng hay không.

Tuy nhận thức của chúng ta khá vượt trội, chúng ta về cơ bản cũng ăn, ngủ, bài tiết như bao loài. Chúng ta quan hệ tình dục trước hết là để duy trì nòi giống, và sau là để thể hiện khao khát, sự thân mật, tình yêu. 

Hầu hết những người có mặt ở đây để đọc những dòng này, với đôi mắt người và chữ viết của con người, là nhờ tình dục. Tình dục không tồn tại độc lập khỏi nhân tính; nó là một phần của nhân tính. Nói về tình dục chính là nói về trải nghiệm làm người

Bình thường hóa tình dục có một khía cạnh nhân đạo

Hên cho tôi và trình tự cuộc đời của tôi: la lên khi mình bị xâm hại, rồi mới bị bắt im lặng, nhưng cũng thấy sai sai nên mặc kệ. 

Nhiều nạn nhân bị hai chữ xẩu-hổ “bịt miệng” luôn, thậm chí bị đổ lại “ai bảo ăn mặc hở hang chi.” Ngày phong trào #MeToo nổ ra, tôi nhìn dòng chữ ngắn cụt tràn ngập news feed mà điếng người. Ai dạy chúng ta phải biết-xấu-hổ, và họ có còn muốn im lặng nếu chính họ bị tổn thương? 

Trao đổi thẳng thắn về tình dục là gỡ bỏ những hổ thẹn mà đằng sau đó, một người có thể đang phải chịu đựng đau khổ một mình. Nó cho họ một không gian an toàn để tìm kiếm sự giúp đỡ và bắt đầu hành trình chữa lành. Nó cũng cho chúng ta một sự khẳng khái khi muốn bảo vệ người thân của mình - điều mà bố mẹ tôi vào thời điểm đó, ở xã hội đó, đã không có.

Y tế công cộng cần những cuộc hội thoại về tình dục

Bác sĩ Teodora Elvira Wi từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định rằng để đẩy lùi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs), chúng ta cần bắt đầu nói về tình dục. Cũng như COVID-19, nếu vì xấu hổ mà những người nghi nhiễm không dám xét nghiệm thì rất khó để kiểm soát dịch trong cộng đồng.

Cũng tại WHO, bác sĩ V. Chandra – Mouli cho rằng việc trò chuyện cởi mở sẽ giúp cải thiện chất lượng giáo dục giới tính và tình dục. 

“Nói về tình dục với tụi teen chẳng khác gì vẽ đường cho hươu chạy.” - Tôi đã nghe câu ví von này quá nhiều rồi, nên tôi xin phép thay nó bằng một ví dụ mới, còn “ớn” hơn: tình dục khá giống một... con dao. Đều là công cụ sinh tồn của nhân loại. Điều thiết yếu trong cuộc sống. Bố mẹ nào cũng mong con mình không bị thương khi phải dùng đến nó. Và độ an toàn phụ thuộc vào sự vững vàng của người nắm giữ. 

Chúng ta không thể dạy một người trẻ sử dụng dao bằng cách… giấu nhẹm con dao. Chúng ta dạy họ qua việc cho phép những tương tác có chừng mực, và bằng những cuộc đối thoại cẩn thận, trung thực.

Chúng ta dạy (và cả học!) bằng cách bắt đầu trò chuyện với nhau.

Gửi bài viết cho series Cởi Mở tại đây.

Bắt đầu nói về tình dục như thế nào?

Xét trên các khía cạnh triết học, y tế và an ninh, việc đối thoại về tình dục có nhiều điểm tích cực. Triết gia Alain de Botton cho rằng khả năng thể hiện nhu cầu tình dục một cách tự tin và lành mạnh là cả một cột mốc trưởng thành.

Nhưng đối thoại như nào thì mới là lành mạnh? Đây là 4 điều tôi học được sau khi trầy trật vì 14 tập Cởi Mở.

1. Gỡ bỏ định kiến và sự hổ thẹn

Đằng sau mỗi sự xấu hổ là một nỗi cô đơn vì không thể nói ra những điều quan trọng. Mỗi khi ai đó kể tôi một trải nghiệm tình dục, tôi thấy tôi đang lắng nghe về cuộc đời của họ hơn là về tình dục.

Nếu ai đó tin tưởng bạn đủ để kể cho bạn về trải nghiệm của họ, điều tốt nhất bạn có thể làm là lắng nghe. Đừng trêu chọc và bêu rếu họ.

Khi một người cảm thấy an toàn, họ trải lòng nhiều hơn. Rất có thể, bằng cách nói ra, chúng ta sẽ biết mình không đơn độc.

2. Ưu tiên sự thấu hiểu hơn chiến thắng

“Một bạn lesbian yêu một bạn nam thì có còn là lesbian hay không?” là một trong những cuộc tranh luận gay gắt đầu tiên trên Cởi Mở. Hóa ra, rất nhiều câu hỏi xoay quanh tình dục không có đáp án đúng/sai.

Có lẽ đúng/sai không nên là điều quan trọng, mà nên là cái cớ để chúng ta tìm hiểu xem điều gì tạo nên quan điểm đó. Như vậy, chúng ta nhận được từ cuộc hội thoại những kiến thức và sự thấu cảm mới. Đó cũng là một kiểu thắng.

3. Luôn làm rõ ngữ cảnh và mục đích nếu phải tranh luận 

Khi nhận bình luận trái chiều, tôi thường hít một hơi rồi tự hỏi: Vì sao cuộc hội thoại này quan trọng? Chúng ta nhận được gì từ việc tranh luận? Mình đã giải thích ngữ cảnh đủ chưa?

Nếu có đủ lý do, tôi sẽ trả lời bình luận. Nếu không, tôi lặng lẽ chấp nhận sự khác biệt trong quan điểm, và bỏ đi coi Netflix. 

Đôi khi những sự khác biệt, thậm chí đối lập, có thể tồn tại song song mà không gây quá nhiều tổn thất.

4. Cũng như tình dục, các cuộc đối thoại nên đến từ tinh thần tự nguyện

Đừng ép người khác phải nghe những gì họ không muốn nếu điều đó không cần thiết. Và cũng đừng ở lại một cuộc hội thoại bạn không muốn tham gia. 

Chúng tôi hiểu không phải ai cũng muốn đọc Cởi Mở. Đó là lý do 98% chủ đề bài viết trên Vietcetera không phải là về tình dục - để bạn có thể thoải mái lựa chọn.

Hãy là người bắt đầu cuộc hội thoại! Series Cởi Mở hiện đang nhận bài viết từ cộng đồng. Nếu bạn có câu chuyện muốn chia sẻ với chúng tôi, click vào đây.