Đừng vội bỏ cuộc nếu yêu phải người né tránh yêu thương | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
15 Thg 12, 2021
Thương

Đừng vội bỏ cuộc nếu yêu phải người né tránh yêu thương

Đã bao giờ bạn yêu ai đó thuộc kiểu gắn bó né tránh chưa?
Đừng vội bỏ cuộc nếu yêu phải người né tránh yêu thương

Đừng vội bỏ cuộc nếu yêu phải người né tránh yêu thương!

Đã bao giờ bạn yêu một người nhưng luôn cảm giác có một bức tường ngăn cách giữa cả hai? Sau khi đã qua giai đoạn tán tỉnh ban đầu, người yêu bạn dường như dần xa cách. Họ né tránh việc trò chuyện thân mật, thường không chủ động gọi điện trước, hay từ chối tiến đến giai đoạn xa hơn của mối quan hệ.

Bạn tự hỏi, mình đã làm gì sai? Liệu đối phương có yêu bạn nhiều như bạn yêu họ? Liệu họ đang... ngoại tình?

Trong nhiều trường hợp, người yêu bạn có thể là người thuộc kiểu gắn bó né tránh. Đây là kiểu người không thích sự ràng buộc hoặc gần gũi thân mật. Họ cũng có xu hướng trốn chạy khỏi các cam kết trong tình yêu. Vậy yêu một người gắn bó né tránh có khó không?

Điều gì khiến một người trở nên né tránh yêu thương?

Kiểu gắn bó của một người bị ảnh hưởng chủ yếu bởi bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng họ trong giai đoạn ấu thơ. Đứa trẻ thiếu đi người chăm sóc, hoặc bị đối xử lạnh nhạt sẽ tự tạo cho mình một lớp giáp phòng vệ.

Ngoài ra, tình cũ cũng ảnh hưởng đến phong cách gắn bó. Nếu từng đi qua nhiều mối quan hệ độc hại, một người có thể đánh mất niềm tin vào chuyện yêu và không biết cách vun đắp một mối quan hệ lành mạnh.

Một số biểu hiện khác của người thuộc kiểu gắn bó né tránh là:

  • Gặp khó khăn khi chia sẻ về cảm xúc sâu kín;

  • Thường tìm lý do từ chối cơ hội gắn kết tình cảm (đi du lịch xa, ra mắt họ hàng, dọn về sống chung);

  • Cho rằng người yêu đang có nhu cầu tình cảm quá cao;

  • Rất thoải mái với việc không phải nhắn tin, gọi điện với người yêu thường xuyên;

  • Ngại chia sẻ về gia đình.

Đọc thêm:

titleNgười gắn boacute neacute traacutenh chất chứa nhiều nỗi niềm trong lograveng
Người gắn bó né tránh chất chứa nhiều nỗi niềm trong lòng

Làm sao để yêu một người né tránh yêu thương?

1. Quan tâm vừa đủ

Một số người gắn bó né tránh không muốn đón nhận nhiều sự giúp đỡ từ người khác và ghét cảm giác phụ thuộc. Vì thế, nếu bạn vội vã đẩy nhanh quá trình yêu, họ sẽ càng tìm nhiều lý do để đẩy bạn ra xa.

Ở giai đoạn đầu của mối quan hệ, bạn không nên tiếp cận họ quá dồn dập. Những tin nhắn hỏi thăm sáng đêm hay quà cáp thường xuyên chưa hẳn đã cần thiết. Trong những cuộc nói chuyện, bạn nên tránh hỏi sâu những chủ đề họ ngại nói ra, như chuyện gia đình.

Khi cả hai chưa hiểu nhau đủ lâu, bạn không nhất thiết phải can thiệp vào những vấn đề trong cuộc sống của họ. Hãy để họ tự đối diện với vấn đề cá nhân trước. Bạn chỉ cần nhắc họ về sự hiện diện của bạn và nói rằng bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ nếu cần.

2. Lắng nghe và tôn trọng quan điểm

Đôi lúc, người gắn bó né tránh sẽ có những yêu cầu mà bạn cảm thấy xa cách. Ví dụ, họ nói mình cảm thấy hơi ngột ngạt và muốn tạm ngừng liên lạc khoảng nửa tháng.

Dù khá bất ngờ, bạn cũng đừng vội “tung” ra hàng loạt câu hỏi chất vấn. Phản ứng dồn dập dễ làm họ rụt lại và không dám chia sẻ cảm xúc thật lòng. Thay vào đó, hãy thử đón nhận bằng tinh thần nhẹ nhàng, cởi mở và mang tính xây dựng

Trước tiên bạn cần bày tỏ mình tôn trọng và chấp nhận cảm xúc của họ, sau đó từ từ hỏi về lý do đằng sau nguyện vọng đó. Bạn cũng có thể dành thời gian suy nghĩ thêm, đừng ép bản thân phải trả lời yêu cầu của họ ngay lập tức.

3. Khen những điều nhỏ nhặt

Do lớn lên trong môi trường thiếu vắng sự quan tâm, động viên, một người né tránh có thể hình thành nhiều tự ti trong lòng. Bạn có thể giúp họ tự tin hơn trong chuyện tình cảm bằng cách khen ngợi họ. Mỗi lần họ làm được một điều có ý nghĩa với bạn, hãy nói rằng bạn cảm thấy thế nào, và họ đã làm tốt những gì.

Ví dụ, họ làm bánh rất giỏi và tự tay làm bánh tặng bạn dịp sinh nhật, bạn đừng ngần ngại khen ngợi. Một lời khen “có tâm” nên là một lời khen được xây dựng từ sự chi tiết và quan sát hằng ngày. Chẳng hạn trước đây, bạn có thể nhắc đến những lần chứng kiến người yêu chọn nguyên liệu, trang trí bánh, và khen họ là người cẩn thận, tâm huyết.

Hơn hết, người yêu của bạn cũng muốn cảm nhận (và được công nhận) rằng, không chỉ bạn, mà chính họ cũng đang nỗ lực cho mối quan hệ này.

4. Kiên nhẫn một chút

Tình yêu sẽ hơi khó khăn nếu bạn cũng thuộc kiểu người gắn bó né tránh hoặc gắn bó lo âu. Có lúc bạn không tránh khỏi cảm giác lo lắng và suy nghĩ quá mức. Tại sao anh ấy không lắng nghe mình? Tại sao cô ấy không phản ứng gì đặc biệt với món quà của mình? Những viễn cảnh khác nhau lao tới, bạn mất kiểm soát và chìm trong suy nghĩ tiêu cực.

Đừng vội đoán già đoán non, một số người không hay thể hiện cảm xúc quá rõ ràng ra bên ngoài. Họ cảm thấy thoải mái khi “trút bầu” tâm tư qua con chữ hơn. Biết đâu, tối hôm đó, họ sẽ soạn sẵn một dòng tin dài để bày tỏ sự biết ơn trước món quà của bạn.

Tất nhiên, việc thể hiện ngôn ngữ tình yêu trực tiếp bằng lời nói rất quan trọng. Nếu cả hai dần gắn bó hơn, thử cùng nhau tham gia các hoạt động ngoài trời, như chạy bộ, leo núi. Đây là những hoạt động có thể kích thích hormone hạnh phúc, tạo tiền đề để cả hai mở lòng, sẵn sàng cho những cuộc trò chuyện sâu sắc.

5. Tận hưởng cuộc sống cá nhân của bạn

Đừng đặt quá nhiều áp lực lên bản thân, bạn không cần phải dồn hết năng lượng của bạn vào nửa kia. Cả hai cũng cần trao cho không gian cá nhân khi yêu, như thực hiện sở thích riêng, đi chơi với bạn bè, đi du lịch một mình.

Dành thêm thời gian cho bạn bè, gia đình cũng là những trải nghiệm tốt để học cách trò chuyện với người khác và kiểm soát tinh thần. Trong những phút "yếu lòng" hay tự nghi ngờ bản thân, họ cũng sẽ là chỗ dựa giúp bạn nhìn nhận vấn đề theo hướng khách quan.

titleHatildey kiecircn nhẫn một chuacutet với họ
Yêu một người gắn bó né tránh có thể đòi hỏi khá nhiều kiên nhẫn

Làm gì nếu bạn là kiểu người né tránh?

Theo tờ Psychcentral, một trong những cách để bạn chữa lành là gọi tên được kiểu gắn bó và những vấn đề của mình. Nếu là một người gắn bó né tránh, bạn nên mở lòng với những mối quan hệ và tập đối thoại với đứa trẻ bên trong.

Khi vấn đề xảy đến, thử liệt kê lý do vì sao bạn chạy trốn: Bạn sợ tình yêu của bạn sẽ có kết thúc không có hậu? Bạn sợ cam kết và không thể làm tốt vai trò của một người bạn đời? Nếu thật sự tôn trọng mối quan hệ hiện tại, hãy bắt đầu bằng việc nói (hoặc viết) ra những vướng mắc trong lòng.

Đọc thêm: Làm thế nào để cải thiện kiểu gắn bó của mình?

Kết

Yêu một người có kiểu gắn bó né tránh có thể sẽ khá áp lực, nhưng tin vui là họ có thể thay đổi sang kiểu gắn bó lành mạnh theo thời gian. Đừng quên bạn đang ở cạnh một người có tổn thương trong quá khứ. Họ không cố ý xa lánh bạn, chỉ là họ chưa thể ngay lập tức thích nghi với sự thân mật.

Tuy nhiên, nếu đã nỗ lực nhưng nửa kia vẫn tìm mọi cách đẩy bạn đi, hoặc mang đến nhiều lo âu và tiêu cực, bạn cũng không nên tự ép bản thân vào một mối quan hệ chỉ đến từ một phía.

Để gạt bớt những suy nghĩ không hay, hãy nghĩ việc giúp một người gắn bó né tránh cũng là tự giúp bản thân mình. Bởi những gì bạn đang nỗ lực thực hiện đều là điều mà một mối quan hệ lành mạnh nên có: lắng nghe không phán xét, cho nhau không gian riêng, cùng nhau phát triển. Nếu mối quan hệ không thể đi tới đâu, ít nhất bạn cũng hiểu thế nào là trao đi yêu thương một cách lành mạnh.