Ép con học quá nhiều, phụ huynh đang gây bạo lực gia đình? | Vietcetera
Billboard banner

Ép con học quá nhiều, phụ huynh đang gây bạo lực gia đình?

Nếu bị cha mẹ ép học đến 2 - 3 giờ sáng, trẻ em biết phải kêu ai?
Ép con học quá nhiều, phụ huynh đang gây bạo lực gia đình?

Nguồn: cottonbro/Pexel.

Nhiều bạn nhỏ sẽ cảm thấy vui mừng khi không bị ép học nhiều như trước. Nhưng trước câu chuyện luật hoá vấn đề ép học như một biểu hiện của bạo lực gia đình, câu hỏi khiến các nhà làm luật lúng túng sẽ là làm sao để phát hiện cái “sai” xảy ra trong từng hộ gia đình.

Câu chuyện lớn hơn, học bao nhiêu thì là đủ, và triết lý giáo dục của chúng ta đang nhìn nhận hình mẫu lý tưởng trẻ con cần hướng đến là gì?

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Gần đây, hiện tượng học sinh tự sát liên tiếp xảy ra khiến công chúng đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân của những câu chuyện thương tâm một phần đến từ áp lực học hành, thi cử và kỳ vọng quá lớn của các bậc phụ huynh dành cho con cái.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đang được lấy ý kiến thay đổi, bổ sung. Theo đó, việc các bậc cha mẹ yêu cầu hoặc ép con cái học quá nhiều, phải đạt điểm 10, phải nối nghiệp cha mẹ... sẽ có thể được coi là bạo lực gia đình.

Ngoài ra, một vấn đề cũng được đưa ra thảo luận về bạo lực gia đình là ép chọn giới tính thai nhi. Đây được xem là một loại bạo lực giới. Các vấn đề này được đề nghị đưa ra xem xét trên cả góc độ pháp lý và thực tiễn.

2. Học như thế nào thì được gọi là quá nhiều?

Nhiều bậc phụ huynh đã yêu cầu con cái phải học đến 2-3 giờ sáng, cũng như mong con cái phải luôn đạt được điểm 10. Bên cạnh đó, những hành vi khác như ép con cái chọn ngành nghề theo ý muốn, trở thành niềm hãnh diện của phụ huynh... cũng được xem là một dạng bạo lực gia đình.

Ở khía cạnh này, giáo dục ngoài luồng với cường độ cao được hai tác giả Mark Bray và Chad Lykins chỉ ra cũng nên được xem là một hành vi bạo lực gia đình.

Tại Việt Nam, giáo dục ngoài luồng được gọi theo nhiều cách khác nhau như "học thêm, học nếm", học phụ họa, học tăng buổi... Báo chí từng đưa tin, có những đứa trẻ phải học đến 18 tiếng/ngày khiến nhiều người không khỏi giật mình.

3. Nếu bị ép học quá nhiều, trẻ em sẽ kêu ai?

Đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực gia đình nói chung, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là kênh tiếp nhận thông tin và hỗ trợ, can thiệp trên khắp Việt Nam.

Theo đó, tổng đài 111 sẽ tiếp nhận thông tin và thông báo với cơ quan công an phường, xã để can thiệp. Nếu trường hợp bạo lực gia đình vẫn tiếp tục xảy ra, tổng đài 111 có thẩm quyền tiếp tục theo dõi, nhắc nhở, đôn đốc sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương.

Trong trường hợp bị ép học, cả trẻ con và người lớn đều sẽ thấy lúng túng khi không biết hạn mức bao nhiêu là đủ. Chưa kể, bản chất gần gũi của quan hệ gia đình cũng sẽ khiến con trẻ khó lòng “kêu” trợ giúp.

4. Học để làm gì?

Năm 1996, chính trị gia người Pháp Jacques Delors từng bàn đến giáo dục và trả lời câu hỏi, ‘Học để làm gì?’ trong bản báo cáo Giáo dục: Một tài sản đang được cất giấu tiềm ẩn. Ông chỉ ra 4 rường cột của việc học bao gồm: Học để chung sống; Học để biết; Học để làm; và Học để làm người (hoặc học để tồn tại).

Có thể thấy, triết lý giáo dục của Jacques Delors chỉ ra mục đích của sự học nhằm tiếp thu và vận dụng những tri thức phổ quát. Ở rường cột thứ tư, Học để làm người, ông cho rằng thay vì trở thành những siêu sao, vĩ nhân, người học nên xuất phát từ đam mê nghiên cứu, phát triển.

Cũng trong bản báo cáo này, Jacques Delors cũng đã xác định, giáo dục tiểu học phải được ưu tiên tuyệt đối. Ông nhấn mạnh vai trò bản lề của giáo dục trung học trong quá trình học tập của thế hệ trẻ.

Trong bài viết Điều tệ nhất của việc học giáo dục, tác giả Chi Nguyễn (The Present Writer) khẳng định: Ai rồi cũng phải học. Làm giáo viên là phải học. Làm bố mẹ cũng phải học. Làm người lại càng phải học.

Theo chị Chi Nguyễn, Giáo dục ngày một khác, môi trường sống ngày một khác, tâm sinh lý của trẻ em cũng ngày một khác. Là người trưởng thành, chúng ta phải sống có trách nhiệm hơn, với chính mình và với người khác.

Đây có lẽ chính là những điều mà Jacques Delors đã từng nói: Học tập suốt đời.

5. Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?

"Tiên học lễ, hậu học văn" - Câu nói này từng được xem là một triết lý giáo dục lâu đời nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, câu nói này không còn phù hợp nữa.

Và cũng đã từ rất lâu, nên giáo dục từng theo đuổi 4 giá trị đặc trưng bao gồm "đức, trí, thể, mỹ". Nói cụ thể hơn, đây là 4 yếu tố bồi đắp, xây dựng và phát triển con người.

Tuy nhiên, để nói Việt Nam đã có triết lý giáo dục ở thời điểm hiện tại thì chưa hẳn. Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng, 4 rường cột giáo dục của UNESCO (thực chất là của Jaques Delors) cô độc, phù hợp với nhiều quốc gia.

Phải nói thêm rằng gần đây, UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 là “Học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn”.

GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Việt Nam đã có triết lý giáo dục. Triết lý này thay đổi, cập nhật và phát triển tùy thuộc vào từng mốc thời gian cụ thể.