Khi nhiều hơn không đồng nghĩa với tốt hơn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
03 Thg 04, 2022
Triết Học

Khi nhiều hơn không đồng nghĩa với tốt hơn

Theo Mark Manson chúng ta cần cẩn thận với động lực cải thiện bản thân, bởi mong muốn nhiều hơn chẳng có gì khác ngoại trừ việc là nó nhiều hơn
Khi nhiều hơn không đồng nghĩa với tốt hơn

Nguồn: Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “The Disease of More” đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Thành công thường là bước đầu dẫn đến thảm họa. Quan niệm về tiến bộ là kẻ thù của tiến bộ thực sự.

Tôi vừa gặp một gã, một người thành công trong kinh doanh, có lối sống hay ho, mối quan hệ hạnh phúc và nhóm bạn tuyệt vời. Dù vậy, anh ta vẫn dõng dạc tuyên bố rằng muốn thuê một huấn luyện viên nhằm giúp mình “chạm đến ngưỡng tiếp theo.”

Khi tôi hỏi ngưỡng tiếp theo là gì thì anh ta nói rằng mình không chắc. Vì thế anh ta cần một huấn luyện viên để chỉ ra điểm mù và cho anh ta biết mình còn thiếu sót ở đâu.

“Được thôi”, tôi nói và rồi đứng đó lúng túng trong một chốc, đánh giá lại xem tôi thật sự muốn trung thực đến mức nào với một người mới gặp. Tay này tâm huyết thật đấy, sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để người khác quyết định hộ xem vấn đề mình gặp là gì.

“Thế ngộ nhỡ chẳng có gì cần cải thiện thì sao?”- Tôi hỏi.

“Ý anh là sao?” - Anh ta hỏi ngược lại.

“Biết đâu chẳng có thứ gì được gọi là ‘ngưỡng tiếp theo?’ Biết đâu đó chỉ là ý tưởng cậu tự dựng lên trong đầu? Biết đâu cậu đã ở sẵn đó rồi nhưng chỉ đang không nhận ra? Không những thế, biết đâu bởi vì không ngừng mưu cầu nhiều hơn, cậu đang ngăn cản bản thân trân trọng và tận hưởng những gì mình có?”

Anh ta có vẻ khó chịu trước câu hỏi của tôi. Cuối cùng, anh ta bảo “Tôi chỉ cảm thấy dù có thế nào tôi luôn cần cải thiện bản thân.”

“Và có lẽ đó là vấn đề.”

Có một khái niệm trong giới thể thao được gọi là “Căn bệnh của việc muốn nhiều hơn.” Khái niệm này bắt nguồn từ Pat Riley, một huấn luyện viên bóng rổ huyền thoại đã dẫn dắt 6 đội tuyển đến giải vô địch NBA (và cũng đã từng là cầu thủ vô địch).

Riley cho rằng “Căn bệnh của việc muốn nhiều hơn” giải thích lý do những đội vô địch cuối cùng sẽ bị truất ngôi. Nhưng không phải bởi một đội giỏi hơn, mà bởi vì sức ép từ trong chính nội bộ.

alt
"Căn bệnh của việc muốn nhiều hơn" là khái niệm bắt nguồn từ huấn luyện viên Riley - người đã dẫn dắt nhiều đội bóng đến giải vô địch NBA.

Như phần lớn mọi người, các cầu thủ cũng muốn nhiều hơn. Ban đầu, “nhiều hơn” đồng nghĩa với chức vô địch. Nhưng một khi các cầu thủ đã chạm được vào giải vô địch, nó sẽ không còn đủ nữa. “Nhiều hơn” trở thành những thứ khác - tiền bạc, hợp đồng quảng cáo, sự công nhận và tán dương, thời lượng ra sân, số trận đấu, sự chú ý từ truyền thông,...

Kết cục, những kẻ từng là một đội gắn kết và cần mẫn bắt đầu xung đột. Cái tôi của họ xen vào. Tâm lý của họ thay đổi - từ những gì tạo nên một cơ thể và tâm trí lành mạnh trở thành một mớ hỗn độn độc hại. Các cầu thủ thấy mình có quyền bỏ qua những nhiệm vụ nhỏ nhặt, vô nghĩa, những điều từng giúp họ trở thành nhà vô địch. Họ tin rằng mình có quyền không phải làm chúng nữa. Cuối cùng, những kẻ tài năng bị đánh bại.

Nhiều hơn không hẳn là tốt hơn

Các nhà tâm lý học không nghiên cứu về hạnh phúc. Thực ra trong suốt lịch sử, lĩnh vực tâm lý không tập trung vào sự tích cực, mà tập trung vào những điều gây hại. Chẳng hạn như điều gì dẫn đến tâm bệnh và khiến mọi người suy sụp, cũng như cách họ nên đối phó với nỗi đau lớn nhất của chính mình.

Chỉ đến năm 1980, một vài học giả bắt đầu tự hỏi “Hình như công việc của mình hơi rầu thì phải. Hay là nghiên cứu xem điều gì khiến con người hạnh phúc!” Thế là hàng tá cuốn sách về “hạnh phúc” mọc đầy trên các kệ sách, hàng triệu ấn bản được bán cho những người thuộc tầng lớp trung lưu đang buồn chán, sợ hãi với cuộc khủng hoảng hiện sinh.

Những nhà tâm lý học đã tiến hành một cuộc khảo sát đơn giản để nghiên cứu về hạnh phúc. Họ đưa cho một nhóm người những chiếc máy nhắn tin (lưu ý rằng thời điểm này là vào thập nhiên 80-90), và mỗi khi chiếc máy nhắn tin đổ chuông, từng người một phải dừng lại và ghi xuống hai điều:

  1. Trên thang điểm từ 1-10, bạn đánh giá mình hạnh phúc tới đâu ở thời điểm này?
  2. Điều gì đang diễn ra trong cuộc sống khiến bạn có những cảm xúc đó?

Họ đã thu thập hàng nghìn đánh giá từ hàng trăm người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Và những gì họ khám phá ra vừa đáng ngạc nhiên, vừa lại nhàm chán vô cùng.

Rất nhiều người chấm điểm ‘7’ vào mọi lúc, bất kể đang làm gì.

Đang mua sữa tại cửa hàng tạp hóa: 7 điểm. Đang tham dự trận bóng chày của con trai: 7 điểm. Đang trò chuyện với sếp về một đơn hàng lớn vừa bán cho khách: 7 điểm.

Ngay cả khi một sự kiện thảm khốc xảy ra - mẹ mắc bệnh ung thư, vừa lỡ mất khoản thanh toán thế chấp cho ngôi nhà, vừa mất đi một cánh tay trong một tai nạn - mức độ hạnh phúc sẽ giảm xuống khoảng 2-5 điểm trong một thời gian ngắn và sau đó, trở lại mức 7.

Điều này cũng đúng đối với những sự kiện vô cùng tích cực: thắng xổ số, có được kỳ nghỉ trong mơ, kết hôn. Đánh giá của mọi người sẽ tăng lên một khoảng thời gian ngắn rồi lại về mức 7.

Điều này khiến những nhà tâm lý bất ngờ. Chẳng ai thật sự hạnh phúc tại mọi thời điểm. Tương tự đối với bất hạnh. Có vẻ như, dù hoàn cảnh bên ngoài có ra sao thì con người luôn sống trong trạng thái hạnh phúc nhẹ nhàng nhưng không thực sự thỏa mãn. Nói cách khác, mọi thứ luôn ổn nhưng luôn có thể tốt hơn.

alt
Mọi thứ luôn ổn nhưng luôn có thể tốt hơn. | Nguồn: KC Green

Con số 7 bất biến này như một cái bẫy. Và chúng ta rơi vào nó hết lần này đến lần khác.

Cái bẫy này là khi não bảo ta rằng “nếu thêm một chút nữa, cuối cùng tôi sẽ chạm được đến ngưỡng 10 và dừng lại ở đó.”

Phần lớn chúng ta đều sống theo cách này. Liên tục đuổi theo con số 10 chỉ có trong tưởng tượng.

Bạn cho rằng để hạnh phúc hơn bạn cần một công việc mới. Vì thế bạn đổi việc. Sau đó vài tháng, bạn lại cảm thấy mình có thể hạnh phúc hơn nếu mua được một căn nhà mới. Thế là bạn mua căn nhà mới. Rồi sau vài tháng nữa đó là kỳ nghỉ xịn sò bên bãi biển và khi đã ở đó rồi, bạn lại đòi có thêm một ly cocktail vị dứa. Bạn tin rằng chỉ cần có ly cocktail đó thôi, bạn sẽ chạm đến ngưỡng 10. Nhưng rồi lại thêm ly thứ hai, thứ ba. Rồi thì bạn biết đấy, bạn tỉnh dậy trong trạng thái vật vờ.

Nhưng chẳng sao cả, bởi bạn biết sớm thôi, mình sẽ quay lại mức 7.

Một số nhà tâm lý học gọi cuộc đuổi bắt niềm vui không ngừng nghỉ này là “vòng xoáy khoái lạc.” Bởi những người không ngừng phấn đấu cho một “cuộc sống tốt đẹp hơn” cuối cùng đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực chỉ để đến cùng một nơi.

Hẳn là bạn đang nghĩ “Thế mọi thứ chúng ta làm hóa ra là vô nghĩa sao?”

Không, điều này có nghĩa là chúng ta cần được thúc đẩy bởi một điều gì đó hơn là hạnh phúc. Chúng ta phải được thúc đẩy bởi một điều gì đó lớn hơn bản thân ta.

Nếu không, bạn chỉ đơn giản là chạy theo một ảo mộng về sự tiến bộ, về một điểm 10 hoàn hảo, trong khi thấy mình như thể vẫn giậm chân tại chỗ. Hoặc tệ hơn, như đội tuyển vô địch của Riley, dần phá hoại những gì đã đưa bạn đến đó từ ban đầu.

Phát triển bản thân là một sở thích bị tâng bốc

Trở về những năm đầu tuổi 20, khi tôi còn là một gã “nghiện tự lực.” Một trong những nghi lễ mà tôi yêu thích là ngồi xuống vào mỗi đầu năm mới và dành hàng giờ vạch ra mục tiêu của cuộc đời, tầm nhìn của tôi cho bản thân và những điều tuyệt vời tôi có thể làm để đạt được chúng.

Tôi phân tích mong muốn lẫn khát vọng của bản thân và đúc kết thành một danh sách hoành tráng các mục tiêu đại loại như: tham gia một lớp học đánh trống, kiếm một số tiền nhất định hoặc đạt được cơ bụng 6 múi.

Nhưng có một điều nực cười về phát triển bản thân mà tôi đã học được, nó vốn dĩ chẳng cần phải có bất kỳ ý nghĩa gì. Nó chỉ là một sở thích được tâng bốc. Nó cho bạn có cái mà làm và thảo luận hăng say với những người cùng sở thích.

Cần một thời gian dài để tôi chấp nhận sự thật rằng chỉ bởi vì tôi có thể cải thiện một vài điều trong đời không đồng nghĩa với việc tôi cần phải cải thiện nó.

Vấn đề không nằm ở việc cải thiện mà là lý do thúc đẩy ta làm điều đó. Khi một người bắt buộc phải cải thiện mà không có bất kỳ lý do nào ngoại trừ việc phóng đại bản thân, nó giống như một dạng ái kỷ nhẹ khi một người lúc nào cũng chú tâm vào chính mình.

alt
Khi một người bắt buộc phải cải thiện mà không có bất kỳ lý do nào ngoại trừ việc phóng đại bản thân, nó giống như một dạng ái kỷ. | Nguồn: Unsplash

Và trớ trêu thay, điều này có lẽ sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Nhiều năm trước, một người bạn từng nói với tôi: “Quyết định tốt nhất mà tôi từng làm trong đời là tham gia một nhóm cứu trợ. Ba năm sau, quyết định tốt nhất mà tôi từng thực hiện trong đời là ngừng tham gia nó.”

Tôi nghĩ rằng nguyên tắc tương tự cũng đúng với tất cả các hình thức cải thiện bản thân. Nó nên được sử dụng như một chiếc băng gạc, chỉ dán lên mỗi khi có vết thương, và với mục tiêu cuối cùng là loại bỏ nó.

Cuộc sống không phải là một trò chơi của sự cải thiện, mà là một trò chơi đánh đổi

Tôi nghĩ rằng nhiều người nhìn cuộc sống theo kiểu tuyến tính. Điều này có lẽ chỉ đúng khi bạn còn trẻ.

Khi còn là đứa trẻ, kiến thức và hiểu biết của bạn về thế giới tăng đáng kể sau mỗi năm. Khi là thanh thiếu niên, cơ hội và kỹ năng của bạn cũng phát triển nhanh chóng.

Nhưng khi bạn trưởng thành, khi bạn đã thiết lập và phát triển chuyên môn trong lĩnh vực nhất định, bởi vì bạn đã đầu tư rất nhiều thời gian và tâm sức vào các kỹ năng và gia sản của mình, cuộc sống không còn đơn thuần là cải thiện, mà là đánh đổi.

Tôi đã dành 10 năm để phát triển khả năng viết của mình. Tôi đã cố gắng kiến tạo nên một sự nghiệp viết lách thành công. Nếu tôi quay lại và muốn trở thành DJ, bạn có thể lập luận rằng tôi đang “cải thiện” bản thân bằng cách mở rộng năng lực và kỹ năng của mình. Nhưng phải bỏ ra hàng trăm giờ để trở nên thành thạo nó.

Nỗ lực theo đuổi nghệ thuật sẽ buộc tôi phải từ bỏ một số cơ hội với tư cách là một người viết. 500 giờ đó hoặc bất cứ điều gì cần thiết để trở thành DJ có thể được dành để viết một cuốn sách khác, bắt đầu một chuyên mục trên chuyên trang uy tín, hoặc đơn giản là viết thêm một loạt bài đăng trên blog này.

Điều này cũng đúng với các cầu thủ NBA đã giành chức vô địch. Trong mắt họ, họ chỉ đang tiến lên. Hôm qua, họ đã giành chức vô địch đầu tiên. Hôm nay, họ nhận được nhiều quảng cáo hơn, một tủ đựng đồ tốt hơn, một ngôi nhà mới lớn hơn.

Những gì họ không nhận ra là thứ mình đang đánh đổi. Thời gian và sức lực của họ, giờ đây đã bị chiếm hết bởi những thứ xa xỉ mới, không còn có thể tập trung vào môn bóng rổ nữa. Và với tư cách là một đội, họ trượt dốc.

Trở lại với chàng trai đang tìm kiếm một huấn luyện viên mà tôi đã gặp.

Cuối cùng, lời khuyên của tôi dành cho anh ấy chỉ đơn giản là hãy cẩn thận. Hãy cẩn thận với động lực cải thiện bản thân, bởi mong muốn nhiều hơn chẳng có gì khác ngoại trừ việc là nó nhiều hơn. Những ước mơ và mục tiêu mới có thể làm tổn hại đến thành công và hạnh phúc mà bạn đã xây dựng ngày hôm nay.

Hoặc khuôn sáo hơn, hãy cẩn thận với những gì bạn muốn, bởi vì bạn có thể đạt được nó.

Cuộc sống không phải là một danh sách liệt kê. Nó không phải là một ngọn núi để mở rộng. Nó không phải là một trò chơi đánh gôn hay quảng cáo bia hay bất kỳ thứ gì tương tự.

Cuộc sống là một nền kinh tế. Mọi thứ là một cuộc đánh đổi và giá trị của chúng tăng hay giảm tùy vào độ chú ý và nỗ lực mà bạn dành cho chúng. Và trong nền kinh tế đó, mỗi chúng ta phải chọn lấy những gì mình sẵn sàng đánh đổi, dựa trên giá trị của mình.

Và nếu bạn không cẩn thận với các giá trị của mình, nếu bạn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ vì một liều dopamine, vì số 10 ngắn hạn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng, thì rất có thể bạn sẽ mất đi nhiều thứ.