Lười dọn dẹp? Hãy tham khảo 4 nguồn cảm hứng sau | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 06, 2020
Chất Lượng Sống

Lười dọn dẹp? Hãy tham khảo 4 nguồn cảm hứng sau

Động lực giúp bạn vượt qua cơn lười dọn nhà để tạo ra không gian sống gọn gàng và tràn đầy năng lượng hơn

Lười dọn dẹp? Hãy tham khảo 4 nguồn cảm hứng sau

Nhiều người xem việc dọn dẹp là công việc nhàm chán, mất nhiều thời gian và thường chỉ dành cho nữ giới. Còn đối với “Nữ hoàng dọn dẹp” Marie Kondo, dọn dẹp không chỉ là việc của riêng phụ nữ hay chỉ đơn thuần là lau chùi, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, mà còn để tạo ra một không gian sống tiện nghi, tích cực và ấm cúng.

Dưới đây là bốn nguồn cảm hứng cho những ai chưa tìm được động lực trong việc dọn dẹp nhà cửa.

1. Kênh YouTube 해그린달 haegreendal

Nguồn cảm hứng giúp bạn biến ngôi nhà trở nên ngăn nắp và ấm cúng hơn Nguồn Haegreendal
Nguồn cảm hứng giúp bạn biến ngôi nhà trở nên ngăn nắp và ấm cúng hơn | Nguồn: Haegreendal

해그린달 haegreendal là kênh của một nữ YouTuber Hàn Quốc, một người mẹ và người nội trợ trẻ tuổi. Trong các video của kênh này, nhân vật chính không bao giờ lộ mặt hay giọng nói. Âm thanh duy nhất bạn có thể nghe là tiếng xả nước, tiếng hút bụi, tiếng nấu nướng đồ ăn hay tiếng gió va vào cửa. 

Mỗi video của cô đều được đầu tư chỉn chu từ góc máy, nội dung và có cả phụ đề chuyển ngữ tự động. Cô chỉ đơn thuần quay lại một ngày của mình, chia sẻ những kinh nghiệm lau chùi và nấu nướng thông qua việc dọn dẹp và nội trợ. Đảm bảo sau khi xem video trên kênh này, bạn sẽ muốn bắt tay vào việc dọn dẹp tổ ấm của mình ngay.


2. Kênh YouTube 一条 Yit

Lười dọn dẹp Hãy tham khảo 4 nguồn cảm hứng sau1

Những ngôi nhà mang phong cách cá nhân và rất gọn gàng | Nguồn: Facebook 一条 YIT

一条 Yit là kênh YouTube cho những ai nghiện ngắm những ngôi nhà đẹp, độc đáo, hiện đại và tiện nghi tại châu Á. Ngoài thiết kế và nội thất có tính thẩm mỹ cao, các ngôi nhà còn có điểm chung là rất sạch sẽ và gọn gàng. Nếu nhà bạn không lộng lẫy như những ngôi nhà trên kênh này, ít ra bạn có thể giữ cho nó ngăn nắp. Từ đó, bạn sẽ có cảm hứng muốn trang trí để nhà mình đẹp và ấm cúng hơn.


3. Sách: Lối sống tối giản của người Nhật

Lười dọn dẹp Hãy tham khảo 4 nguồn cảm hứng sau2

Cuốn sách kinh điể về lối sống tối giản | Nguồn: Fahasa.com

Như tựa đề đã mô tả, đây là cuốn sách về lối sống tối giản của tác giả người Nhật Sasaki Fumio. Quyển sách này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về lối sống tối giản, hướng dẫn bạn cách vứt đồ mà còn hàm chứa nhiều suy nghĩ và triết lý. Chẳng hạn như: “Sống tối giản không phải là cứ vứt hết đồ đi hoặc có ít đồ mới tốt, mà là cách tìm ra thứ gì thực sự cần thiết và quan trọng cho bản thân”. 

Cũng như việc tối giản trong các mối quan hệ: “Bạn không cần có thật nhiều bạn bè, với những người bạn không thể chia sẻ hay tìm thấy tiếng nói chung thì cũng nên tạm dừng lại. Việc vứt bỏ đồ đạc cũng vậy, nếu món đồ đó thật sự quan trọng, bạn sẽ lại cần nó và lại có nó”. Sasaki Fumio còn viết rằng: “Người bạn nên so sánh không phải những người xung quanh bạn, mà chính là bạn-của-ngày-hôm-qua. Chính vì thế bạn không cần thiết mua thật nhiều đồ để chứng minh với những người xung quanh”.

4. Series “Tidying up with Marie Kondo” trên Netflix

Lười dọn dẹp Hãy tham khảo 4 nguồn cảm hứng sau3

"Nữ hoàng dọn dẹp" Marie Kondo và series nổi tiếng của cô trên Netflix | Nguồn: Netflix

Gợi ý cuối cùng tạo thêm cảm hứng cho bạn để bắt đầu dọn dẹp là xem chương trình “Tidying up with Marie Kondo” (tạm dịch: Dọn dẹp cùng Marie Kondo) trên Netflix. Marie Kondo được mệnh danh là “Nữ hoàng dọn dẹp” và cũng là người sáng tạo ra phương pháp dọn dẹp của riêng mình mang tên “KonMari”.

Bạn sẽ cảm nhận được nhiều năng lượng tích cực mà Marie Kondo đem lại, cộng thêm những hành động mang nhiều ý nghĩa của cô khi dọn dẹp. Đó có thể là cách liên kết với ngôi nhà trước khi dọn dẹp, hay cách cám ơn một món đồ trước khi vứt đi.


Kết

Trong tiếng Anh từ “nhà” có hai cách gọi là “house” và “home” nhưng ý nghĩa khi sử dụng hai từ này hoàn toàn khác nhau. “House” đúng nghĩa đen là “căn nhà”, là nơi che mưa che nắng. Trong khi đó “home” là “tổ ấm”, là nơi bạn thấy bình yên và ấm cúng khi quay về. Hy vọng những nguồn cảm hứng trên sẽ giúp bạn có thêm động lực biến “căn nhà” của mình thành “tổ ấm” thông qua việc dọn dẹp và tạo bầu không khí ấm cúng cho bản thân và gia đình.

Bài viết được thực hiện bởi Thảo Mý.