Nên hiểu thế nào về chủ nghĩa hoàn hảo? | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 07, 2023
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Nên hiểu thế nào về chủ nghĩa hoàn hảo?

Theo Mark Manson, sự hoàn hảo thật ra là quá trình loại bỏ những điều chưa đẹp. Do đó, việc “hoàn hảo” đúng mực sẽ giúp cuộc sống bạn trở nên trọn vẹn hơn.
Nên hiểu thế nào về chủ nghĩa hoàn hảo?

Nguồn: Yuris Alhumaydy @ Unsplash

Tiếp nối bài viết “Liệu chủ nghĩa hoàn hảo có khiến bạn “hoàn hảo”?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “How to get over perfectionism” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Học cách “dẹp bỏ” chủ nghĩa hoàn hảo

Trong 3 kiểu chủ nghĩa hoàn hảo ở bài viết trước, có lẽ kiểu thứ 1 (tự định hướng) và thứ 2 (kỳ vọng người khác) dễ xử lý hơn một chút. Ít nhất thì những kiểu người “cầu toàn” này vẫn nhận thức được rằng, họ có khả năng kiểm soát bản thân và môi trường xung quanh ở mức độ nhất định. Do đó, họ có thể thay đổi bản thân và môi trường của mình.

Nếu bạn nhìn thấy bản thân ở bất kỳ đâu trong 3 kiểu chủ nghĩa hoàn hảo trên, tôi xin chia sẻ chút suy nghĩ giúp bạn “dẹp bỏ” nó đi mà vui sống:

Cách đối phó với chủ nghĩa hoàn hảo tự định hướng

Bạn cần học cách thoải mái hơn với chính mình. Tôi biết có lẽ 7749 người khác cũng đã nói với bạn như thế, nhưng để tôi phân tích sâu hơn một chút.

Khác với những người hoàn hảo nhưng kỳ vọng người khác, bạn luôn ủng hộ và khuyến khích người thân và bạn bè xung quanh. Khi họ mắc sai lầm, bạn không tạt thẳng gáo nước lạnh vào mặt họ, hoặc nói với họ rằng họ ngu ngốc thế nào.

Thay vào đó, bạn biết cách thấu cảm. Bạn hiểu rằng ai cũng từng mắc sai lầm, và dù họ có ý định tốt, song có những biến cố không ai kiểm soát được. Điều này giúp họ cảm thấy tự tin và an toàn hơn, bởi họ có sự động viên từ bạn. Mọi việc rồi sẽ ổn thôi, dù họ không hoàn hảo.

Và bạn cũng có thể làm như vậy với chính mình. Lần tới khi bạn mắc lỗi, hãy thử hình dung một người thân hoặc bạn bè cũng gặp vấn đề đó. Bạn sẽ động viên họ thế nào, và sẽ làm gì tiếp theo? Rồi áp dụng những điều này với chính mình.

15jul2022hinhngangjpg
Nếu có thể thấu cảm với người khác, bạn hãy thử làm vậy với chính mình. | Nguồn: Pexels

Cách đối phó với chủ nghĩa hoàn hảo kỳ vọng người khác

Bạn cần nhận ra rằng, những tiêu chuẩn bất khả thi của bạn đang ngăn bạn trải nghiệm sự thân mật và tình cảm mà các mối quan hệ mang lại.

Bạn cần hiểu rằng chính bạn cũng không hoàn hảo. Thực tế là bạn cũng mắc sai lầm, và những người xung quanh đang phải chịu đựng và tha thứ cho bạn về điều đó. Cả hai điều này bạn đều chưa có, và đều cần thời gian để học hỏi.

Cách đối phó với chủ nghĩa hoàn hảo định hướng xã hội

Đây là một trường hợp khá phức tạp, bởi những người theo chủ nghĩa này cảm thấy vô dụng với mọi tình huống trong cuộc sống.

Họ cảm thấy mọi người đều đang ném vào mặt họ những kỳ vọng không tưởng, rồi phán xét nếu họ không thể đáp ứng. Họ nhìn thấy sự trịch thượng trong cả những câu nói bình thường nhất. Họ nghĩ tới viễn cảnh xấu nhất trong mọi tương tác xã hội, và bị tra tấn bởi cảm giác xấu hổ và không được yêu thích.

Nếu bạn thấy mình trong đoạn văn trên, tôi có một thử thách dành cho bạn: từ giờ phút này, hãy chịu trách nhiệm với mọi thứ xảy ra trong đời bạn. Trước khi bạn phản biện rằng thế giới này vốn đã như vậy và bạn không thể làm gì, hãy nhớ rằng chịu trách nhiệm khác với đổ lỗi.

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo định hướng xã hội thường rơi vào cái bẫy mà tôi gọi là “nạn nhân sang trọng”. Họ tự coi mình là nạn nhân của những lời phán xét từ người khác, và coi nó là cách để họ thấy bản thân mình quan trọng.

Đây là một đặc trưng của tư duy nạn nhân - nó khiến bạn thấy đặc biệt và độc đáo theo một cách nào đó. Những người tưởng tượng ra 7749 cách để họ trở thành nạn nhân cũng sẽ nghĩ ra ngần đấy cách để trở nên quan trọng, dù thực tế là họ đang làm tổn thương chính mình.

Sự hoàn hảo trong điều không trọn vẹn

Giải pháp cuối cùng cho chủ nghĩa hoàn hảo không phải là loại bỏ nó, mà là định nghĩa lại cách hiểu của bạn về khái niệm “hoàn hảo”. Hoàn hảo không nhất thiết phải là một kết quả, mà có thể là một quá trình. Hoàn hảo có thể là hành vi cải thiện, chứ không phải là việc luôn cố gắng làm đúng.

21jun2023ketutrunjpg
Hoàn hảo không nhất thiết là một kết quả, mà có thể là một quá trình. | Nguồn: Pexels

Phấn đấu cho sự vĩ đại, cho chất lượng cao và cho sự hoàn hảo luôn là điều nên làm. Nhưng bạn cũng cần hiểu rằng, viễn cảnh lý tưởng bạn đang hình dung trong đầu về cách mọi thứ vận hành không phải sự hoàn hảo. Trái lại, hoàn hảo là quá trình bạn loại bỏ những điều chưa đẹp, bao gồm cả chỉ trích, thất bại và rồi cải thiện chúng.

Đây là một kiểu cầu toàn mới, và nó không hoàn hảo. Nó cũng là chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng ở định dạng thực tế hơn và không khiến bạn hay một ai khác phát điên. Thậm chí tôi có thể nói rằng, nó là một hình thức hữu ích của chủ nghĩa hoàn hảo.