Phụ nữ ngành IT - Cần gì để tỏa sáng? | Vietcetera
Billboard banner

Phụ nữ ngành IT - Cần gì để tỏa sáng?

Cứ 5 người làm việc trong ngành công nghệ thông tin (IT) thì chỉ có một là nữ. Vậy các “nữ công” cần làm gì để tỏa sáng trong ngành này?
Phụ nữ ngành IT - Cần gì để tỏa sáng?

Nguồn: Thục Anh @petite.odysser cho Vietcetera

Công nghệ thông tin là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh và ấn tượng nhất Việt Nam. Tuy vậy đây cũng là ngành có tỉ lệ mất cân bằng giới tính hàng đầu, với tỉ lệ nam-nữ trung bình là 5:1.

Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 37% lực lượng nhân sự ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam là nữ. Con số này tuy cao so với mặt bằng thế giới (25%), song vẫn phản ánh hiện trạng phụ nữ Việt e ngại làm việc trong nhóm ngành này vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngay cả khi đã có nhiều năm kinh nghiệm, những “nữ công” vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn trong ngành công nghệ thông tin. Một số vấn đề nổi bật có thể kể đến:

Từ gây hấn gián tiếp đến đùa cợt thiếu tế nhị

“Con gái mà cũng học được lập trình hả? Ngầu ghê” là câu nhiều lập trình viên nữ từng nghe ít nhất một lần trong đời. Điều này xảy ra do phần lớn lập trình viên là nam, và hình ảnh nữ giới trong công nghệ thông tin không xuất hiện nhiều trong văn hóa đại chúng.

Đây là ví dụ điển hình của microaggression (tạm dịch: vi gây hấn) - những hành vi gián tiếp thể hiện sự phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số. Người nói có thể không có ác ý, nhưng trong nhiều trường hợp, những lời nhận xét kiểu này đưa người nghe vào tình thế khó xử.

“Nhiều khi mình không biết là họ đang khen ngợi hay ‘đá đểu’ mình nữa” - M., một lập trình viên 25 tuổi ở Hà Nội chia sẻ. “Cảm giác như đối với họ, con gái học lập trình giống như sinh vật lạ từ vũ trụ rơi xuống vậy. Trong khi ngành này đâu có quy định chỉ nam mới làm được”.

Bên cạnh đó, phụ nữ ngành IT còn thường xuyên phải đối mặt với body shaming, những trò đùa phân biệt giới tính hay thậm chí quấy rối tình dục. Những vấn đề này dường như được “bình thường hóa” trong một môi trường chênh lệch giới tính, vì vậy họ không thể dễ dàng nói về chúng như ở những nơi có sự cân bằng nam-nữ.

Trở ngại về mức lương và lộ trình thăng tiến

Theo thống kê của chuyên trang nhân sự Glassdoor, phụ nữ trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam có thu nhập thấp hơn 28% so với các đồng nghiệp nam. Một báo cáo khác của mạng lưới Women In Tech cũng cho thấy, khoảng 78% các công ty công nghệ lớn thừa nhận trả mức lương khác nhau cho nhân viên nam và nữ của mình.

Cũng theo đó, 53% phụ nữ ngành IT thường xuyên phải chứng minh bản thân với sếp, đồng nghiệp và đối tác. “Cứ mỗi lần phòng có sếp mới, mình lại phải trình bày về những gì đã đạt được. Thế nên dù đã có gần 8 năm làm thiết kế đồ họa và lập trình, nhiều lúc mình vẫn cảm thấy như một kẻ giả mạo” (Ngọc Trang, 28 tuổi, chuyên viên thiết kế game ở Hà Nội).

24oct2022femalestaffintext1jpg
Các “nữ công” phải nỗ lực gấp nhiều lần đồng nghiệp nam để chứng minh bản thân với sếp.

Các “nữ công” cũng có ít cơ hội thăng tiến hơn. Theo nghiên cứu của Harms & Landay (2018), nhiều công ty công nghệ không cân nhắc giao chức vụ quản lý cho phụ nữ. Họ quan niệm nữ giới sẽ đến lúc phải lập gia đình, không thể tập trung cho công việc. Và kể cả khi trở thành quản lý, phụ nữ cũng gặp không ít trở ngại khi các nhân viên nam không “tâm phục khẩu phục”.

Khó hòa nhập với đồng nghiệp

Ngoài những vấn đề liên quan trực tiếp đến công việc, phụ nữ ngành IT cũng cảm thấy khó hòa nhập với các đồng nghiệp nam. “Các anh em trong phòng thường đi nhậu, đá bóng hoặc tennis khi rảnh rỗi. Mình là con gái, sao ‘đu’ theo những môn ấy được. Mà kể cả ở văn phòng thì bọn mình cũng ít nói chuyện phiếm, vì gu phim ảnh, âm nhạc quá khác nhau” - Ngọc Trang chia sẻ.

Những tương tác ngoài công việc là yếu tố quan trọng giúp đồng nghiệp gắn kết và hiểu nhau nhiều hơn. Vì vậy, việc thiếu đi chúng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất làm việc. Điều này đã được chứng minh ở nhiều nghiên cứu về làm việc online trong giãn cách, và có thể xảy ra khi thiểu số nhân viên nữ không tìm được tiếng nói chung với đa số đồng nghiệp nam.

Làm thế nào để tỏa sáng khi là “mì chính cánh”?

Tập trung chứng minh các ưu thế của bản thân

Thực tế phụ nữ có nhiều ưu thế khi làm việc trong ngành công nghệ. Theo nghiên cứu của Đại học Stanford, khả năng để ý đến tiểu tiết, sự kiên trì và cẩn thận là yếu tố giúp các lập trình viên nữ nhanh chóng “tia” được các lỗi (bug) trong một dòng code dài và xử lý nhanh chóng.

Một điểm mạnh khác của phụ nữ là khả năng tiếp nhận cao, sáng tạo tốt và xử lý vấn đề khéo léo. Điều này giúp họ tăng khả năng suy nghĩ phản biện, đưa ra những giải pháp mới và phối hợp tốt trong công việc.

Bên cạnh đó, để có thêm bạn bè chốn công sở, nhiều “nữ công” ngành IT thường kết giao với nhân viên phòng ban khác. Nếu có nhiều người bạn như vậy, bạn có thể trở thành cầu nối giúp đồng nghiệp phòng mình và phòng ban khác hợp tác hiệu quả hơn, từ đó tăng hiệu suất công việc cho tất cả các bên.

Tìm cố vấn và các mạng lưới hỗ trợ

Do là nhóm thiểu số trong xã hội, phụ nữ ngành IT gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hình mẫu để phấn đấu vượt qua khó khăn, đặc biệt là khi mới vào nghề. Trong trường hợp này, bạn có thể cân nhắc tìm một người cố vấn (mentor). Đó có thể là một người giáo viên, hoặc một đàn chị đã có nhiều năm kinh nghiệm.

Vì từng trải qua những vấn đề bạn đang gặp hiện tại, họ thường rất thấu hiểu và luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. Và chắc chắn khi có một người đồng hành hướng dẫn, bạn sẽ vượt qua chúng dễ dàng và thuận lợi hơn.

24oct2022femalestaffintext2jpg
Khi tìm được người cố vấn hỗ trợ, bạn sẽ vượt qua các trở ngại dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm đến các nhóm hỗ trợ (support group), các hội liên hiệp hay các tổ chức phi lợi nhuận về phụ nữ ngành này. Đây là nơi bạn vừa có thể tìm cố vấn, vừa kết giao thêm nhiều người bạn mới trong ngành để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Khám phá các cơ hội độc đáo cho riêng mình

Ở thời điểm hiện tại, sự chênh lệch giới tính trong ngành công nghệ thông tin là vấn đề được quan tâm rộng rãi. Nhiều công ty công nghệ, đơn vị học tập và nghiên cứu đều nỗ lực cải thiện vấn đề này theo nhiều cách khác nhau.

Chẳng hạn một số công ty ưu tiên tuyển dụng lao động nữ, hoặc có những chính sách đặc biệt hỗ trợ nhân viên nữ trong công việc. Nhiều đơn vị dành riêng các học bổng, chương trình quản trị tập sự hay tập huấn ngắn/dài hạn để khuyến khích phụ nữ lựa chọn theo học và làm việc trong ngành này. Điều này có nghĩa bạn có nhiều cơ hội giành học bổng học lên cao, nghiên cứu hoặc nâng cao kỹ năng của bản thân hơn so với phụ nữ trong các ngành nhiều nữ.