Tại sao người hoạt ngôn vẫn ám ảnh thuyết trình trước đám đông? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
15 Thg 12, 2022
Tâm Lý Học

Tại sao người hoạt ngôn vẫn ám ảnh thuyết trình trước đám đông?

Hoạt ngôn mà sợ giao tiếp thì còn gì là hoạt ngôn nữa!
Tại sao người hoạt ngôn vẫn ám ảnh thuyết trình trước đám đông?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Ai cũng biết đến Bill Gates hay Gandhi như những nhà diễn thuyết tài ba trước hàng trăm ống kính, nhưng ít ai hay họ đều là những người hướng nội điển hình với thiên hướng sống nội tâm dễ bị tiêu hao năng lượng trong các tình huống xã hội.

Có thực người hướng nội ít nói nào cũng nhút nhát, và hướng ngoại hoạt ngôn nào cũng nói giỏi? Thực tế cho thấy những định kiến xưa nay của chúng ta cho “hướng nội” và “hướng ngoại” đều có phần phiến diện và thiếu chính xác.

Học thuyết về tính cách của Hans Eysenck sẽ đưa ra 4 nhóm tính cách dựa trên khả năng kiểm soát cảm xúc của con người, giải thích vì sao ta “hướng ngoại nhưng sợ đám đông”.

Từ những nghiên cứu tâm thần hậu Thế chiến…

Hans Eysenck là một nhà tâm lý học sinh ra ở Đức. Ông nhận bằng Tiến sĩ Tâm lý tại đại học London năm 1940, và đóng vai trò là nhà nghiên cứu chẩn đoán tâm thần cho những người lính trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Những ảnh hưởng thế chiến đã khiến Eysenck tập trung nghiên cứu sâu “xu hướng tâm thần” của bất kỳ ai. Đối tượng của ông trải dài từ những người tâm lý vững đến những người hay sợ hãi, lo âu.

Và yếu tố then chốt ông dùng để xác định xu hướng tính cách của một người chính là “Sự ổn định cảm xúc” (Emotional Stability) - giúp quyết định một người có khả năng chống chọi tốt hay không trước mọi cú shock tâm lý như mất mát, đổ vỡ,...

Biểu đồ Eysenck và 4 nhóm tính cách

Kết quả nghiên cứu của Hans Eysenck được thể hiện qua biểu đồ với trục tung là Sự ổn định cảm xúc, và trục hoành chia 2 đầu Hướng nội - Hướng ngoại.

alt
Biểu đồ của Eysenck về 4 nhóm tính cách | Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Ở nửa trên của sơ đồ, ta có thể thấy nhóm người "Cảm xúc thất thường" với tâm trạng sớm nắng chiều mưa, và nửa dưới là “Cảm xúc ổn định" tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Tất cả đều bất kể họ hướng nội hay hướng ngoại.

Bạn trầm tính nhưng lại thuyết trình khá tốt? 4 nhóm tính cách dưới đây sẽ giúp bạn lý giải và xác định mình là ai.

Shy Introvert (Hướng nội nhút nhát)

Đây là nhóm Hướng nội với Cảm xúc thất thường (màu tím).

Bản thân nhóm này vốn dĩ khép kín, nhạy cảm và dễ bị tác động bởi bất kỳ kích thích nào từ bên ngoài. Họ thường lựa chọn môi trường vắng vẻ, tĩnh lặng để giữ bản thân ổn định. Trước những tình huống xã hội như tham dự một bữa tiệc đông đúc cũng khiến họ bồn chồn, nhanh bị cạn kiệt năng lượng và phải rời đi ngay.

Đây cũng là tuýp người “vùng đất câm lặng” khi tham gia vào bất kỳ một hoạt động nhóm nào vì họ có xu hướng Rối loạn lo lắng xã hội (social anxiety).

Họ dễ mất kiểm soát trước mọi tương tác con người và sẽ chọn cách ngồi im thụ động để né tránh phiền phức. Những rối loạn lo âu của họ có thể dần phát triển thành sự thiếu tự tin, lòng tự tôn giảm khiến nhóm Hướng nội nhút nhát cố thủ trong vỏ bọc an toàn của riêng họ.

Tuy nhiên, nhóm hướng nội này lại có biệt tài thận trọng và kỹ tính trong từng hành vi. Nhờ vào phần lớn thời gian một mình, họ có nhiều khoảng không để suy nghĩ tránh các hành động bốc đồng hơn.

Và trái ngược với họ, chính là nhóm Hướng ngoại bốc đồng dưới đây.

Impulsive Extrovert (Hướng ngoại bốc đồng)

Nhóm Hướng ngoại với Cảm xúc thất thường (màu hồng).

Hướng ngoại nhưng tim đập chân run mỗi khi gặp con người chính là do nhóm này không có khả năng điều hòa cảm xúc (unstable emotion). Dù họ có thể sạc năng lượng từ việc gặp gỡ tiệc tùng và kết bạn, đâu đó bên trong họ vẫn hồi hộp, lo lắng và thiếu tự tin.

alt
Hoạt ngôn trong sự căng thẳng hồi hộp do họ chưa thể làm chủ bản thân.

Khi thất thường kết hợp với hướng ngoại, những người này sẽ có xu hướng dễ xúc động, nóng tính, bộc bạch cảm xúc quá đà, dễ vui dễ buồn và tâm trạng hay bị thái quá. Họ có thể như một cỗ máy bị lên dây cót - bồn chồn thao thức vì một vấn đề nào đó. Thiếu ổn định trong cảm xúc cũng khiến họ dè dặt, nhút nhát hơn trong các tình huống xã hội.

Điểm cộng cho nhóm này là nguồn năng lượng gần như vô biên, có thể tận hưởng mọi cuộc vui và làm tâm điểm sự chú ý. Tuy nhiên vì “hướng ngoại” và “nhút nhát” là 2 thái cực trái ngược, số lượng nhóm này chỉ chiếm khoảng 6% dân số thế giới (Theo ước tính của Thạc sỹ Tâm lý Arlin), ít hơn nhiều so với hướng nội nhút nhát.

Và cứu tinh của nhóm hướng ngoại này mỗi lần thuyết trình trước đám đông, chính là 2 nhóm ổn định cảm xúc sau đây.

Calm Introvert (Hướng nội trầm tĩnh)

Nhóm Hướng nội với Cảm xúc ổn định (màu cam).

Có thể bạn đã một lần nhầm lẫn nhóm này là hướng ngoại, nhờ khả năng bình tĩnh và kiểm soát tốt trong giao tiếp của họ. Đây là nhóm “sứ giả hòa bình” với phong thái êm đềm, tĩnh lặng, không thích cãi vã đấu tranh. Họ bình yên từ sâu trong nội tâm ra ngoài phong thái cử chỉ, tạo cảm giác nhẹ nhàng thoải mái khi tiếp xúc.

Vì có thể giải quyết cảm xúc bản thân, họ kiểm soát tốt và chủ được mọi tình huống, ngay cả khi phải thuyết trình trước hàng triệu người. Bill Gates là ví dụ hoàn hảo cho nhóm tính cách này, chứng minh rằng hướng nội vẫn có thể lãnh đạo và giải quyết hàng trăm vấn đề con người.

Người hướng nội trầm tĩnh cũng cẩn thận và suy nghĩ thấu đáo, nhờ vào sự kết hợp của chiều sâu nội tâm và kỹ năng điều phối cảm xúc. Đây là tuýp người dễ chịu và đáng tin cậy.

Bold Extrovert (Hướng ngoại táo bạo)

Nhóm Hướng ngoại với Cảm xúc ổn định (màu xanh lá).

Phần lớn các nhà lãnh đạo hướng ngoại đều nằm ở nhóm này, điển hình như Barack Obama và Steve Jobs. Họ mang các đặc tính hướng ngoại như thích giao tiếp, chia sẻ, gặp gỡ và kết nối, đồng thời cũng kiểm soát tốt tâm lý bản thân và con người, cho họ kỹ năng dẫn dắt hiệu quả.

Hiểu mình hiểu người, đây là nhóm ít bị chi phối bởi cảm xúc, do đó có thể đối đáp với cuộc đời bằng thái độ thoải mái, lạc quan, và đúng đắn. Họ có thể là tâm điểm sự chú ý ngay từ khi còn bé. Phần lớn những người hướng ngoại bốc đồng đều cần tập điều chỉnh cảm xúc có thể tiến đến nhóm này.

Tuy nhiên khả năng lãnh đạo là không của riêng ai, và 3 nhóm còn lại vẫn có thể dẫn dắt tập thể nếu xác định được mạnh-yếu của bản thân và đi đúng định hướng.

Ổn định tinh thần là chìa khóa

alt
Bình yên từ bên trong, để ổn định cả bên ngoài.

Tin tốt là khả năng ổn định tinh thần này có thể được luyện tập qua thời gian và va chạm xã hội trong quá trình ta lớn lên, giúp ta đối nội đối ngoại hiệu quả, sóng gió nào cũng có thể vượt qua.

Dù bạn thuộc nhóm nào trong 4 nhóm tính cách trên, bạn có thể luyện tập kiểm soát cảm xúc bằng cách:

  • Thả lỏng cơ thể, hít thở sâu, điều hòa chuyển động trong mọi tình huống căng thẳng.
  • Thái độ tích cực, và nhìn nhận đa chiều để thấy cơ hội trong mọi tình huống.
  • Kiểm soát cảm xúc tiêu cực bằng cách vận động, đi bộ, yoga, chơi board game với bạn bè...
  • Tham dự những workshop phát triển tinh thần: làm gốm, vẽ tranh, viết lách…
  • Nâng cao trải nghiệm, làm phong phú đời sống: trekking, du lịch một mình,...
  • Xây dựng vòng tròn quan hệ với những người tích cực, có tầm ảnh hưởng lên tư duy bản thân.

Tính cách không theo chúng ta mãi mãi, và luyện tập để rèn tư duy bản thân ngày một hoàn thiện chính là chìa khóa giúp bạn thành công.