Tôi dạy bố bỏ thuốc lá | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Tôi dạy bố bỏ thuốc lá

... và hành trình tìm thấy thành công trong nỗ lực của mình.
Tôi dạy bố bỏ thuốc lá

Nguồn: Anh Nguyen/Unsplash

Prudential

Từ bé, tôi đã rất ghét thuốc lá. Tôi vẫn nhớ hoài một tập truyện tranh Doraemon, khi một tàn thuốc chưa dập bay vào đống báo giấy, rồi vô tình thiêu rụi cả một căn nhà. Đến lớn, dù thế sự đổi thay, tôi vẫn giữ thói quen dùng chân dập khi thấy một điếu thuốc chưa tàn.

Nghịch lý thay, tôi sinh ra trong một gia đình có một người bố hút thuốc. Tôi biết bố hút thuốc từ khi tôi biết mình tồn tại trên đời.

Trong nhà, ngoài sân, khi đi xe máy, khi làm việc, khi coi phim. Chắc chỉ trừ mỗi lúc tắm. Đen Vâu có câu “Bố em hút rất nhiều thuốc.” Câu đấy chắc chắn dành cho tôi.

Đến năm 50 tuổi, bố tôi bắt đầu có những cơn ho dai dẳng. Cả nhà ai cũng biết nguyên nhân là thuốc lá, nhưng chẳng ai nói gì. Đó là lúc tôi biết đã đến lúc mình phải “ra tay.”

Tại sao thuốc lá khó bỏ đến thế?

Nghiện thuốc lá là một vấn đề của mọi độ tuổi. Có cả ngàn lý do để một người không bỏ thuốc. Cũng vì vậy mà thuốc lá trở thành một vấn nạn toàn cầu. WHO thậm chí còn gọi đây là một dịch bệnh (tobacco epidemic), bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới người hút mà còn tới người xung quanh.

Thuốc lá có chứa nicotine, một chất gây nghiện khó cai ngang ngửa heroin. So với người không hút thuốc, nguy cơ đột quỵ ở người hút thuốc cao gấp 2-4 lần, và nguy cơ ung thư phổi cao gấp 25 lần. Thuốc lá cũng là nguyên nhân góp phần cho ô nhiễm môi trường và nguồn biển.

smoking0
Thế hệ của chúng ta được dạy rất rõ về tác hại và ảnh hưởng của thuốc lá. | Nguồn: Jonathan Kemper/Unsplash

Chưa kể, để một người tìm đến thuốc lá ở thời đại này không khó. Thuốc lá ở Việt Nam có giá thành rẻ, ở đâu cũng bán, thậm chí trẻ em cũng có thể bán và có thể mua.

Tóm lại là, có cả ngàn lý do để một người không nên hút thuốc. Nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến cả ngàn lý do đấy, trong đó có cả bố tôi.

Tôi “dạy” bố bỏ thuốc thế nào?

Những động thái thầm lặng

Bố tôi không phải là một người cởi mở. Vì vậy, tôi biết rằng nói thẳng không phải là cách tiếp cận hiệu quả. Lớn lên, tôi tìm đủ mọi cách gián tiếp để bố bỏ thuốc lá.

Tôi bịt mũi mỗi khi bố châm thuốc. Bố tôi thích bánh kẹo, thế là tôi mua sô-cô-la ngon về cho bố, với hi vọng bố sẽ hút ít đi. Bố luôn có thói quen coi tin tức, thế là tôi cố tình bật các tin bài về tác hại của thuốc lá khi có bố ngồi cùng.

smoking1
Tôi mua sô-cô-la ngon về cho bố, với hi vọng bố sẽ hút ít đi. | Nguồn: Susanne Jutzeler/Pexels

Nhưng chẳng có gì hiệu nghiệm cả. Mỗi lần châm thuốc, bố lại bảo tôi đi chỗ khác. Bố vẫn ăn sô-cô-la, nhưng tần suất hút thuốc vẫn vậy. Các tin bài về thuốc lá cũng chẳng thấy bố bình luận gì.

Làm một người con... tốt?

Cảm thấy những cách tiếp cận trên không mấy xi nhê, tôi tìm đến sách vở và Internet. Hoá ra, một trong những cách hiệu quả nhất để bỏ thuốc là lấy người thân làm động lực.

Logic của tôi cũng đơn giản: nếu tôi làm tròn bổn phận của một đứa con, và góp phần tạo nên bức tranh gia đình hoàn hảo, bố tôi sẽ vì gia đình mà không hút thuốc nữa.

smoking2
Một trong những cách hiệu quả nhất để bỏ thuốc là lấy người thân làm động lực. | Nguồn: Pixabay

Kế hoạch này đổ bể khi tôi bắt đầu... hút thuốc.

Tôi phải thừa nhận rằng mình đã từng có thời gian hút thuốc rất nhiều. Lần đầu là vào mùa đông, vì tôi nghe bảo hút thuốc thì ấm người. Hết đông thì bỏ. Lần thứ hai là lúc tôi rơi vào căng thẳng cực độ trong công việc. Được nửa năm thì bỏ.

Tôi cũng phải thừa nhận rằng thuốc lá vừa thơm, vừa giúp tôi không suy nghĩ quá nhiều. Nhưng ngoài hai điểm này ra, thuốc lá chẳng bổ béo gì. Nó chẳng có lợi ích nào về mặt sức khoẻ. Nếu phải chọn dựa trên một danh sách những điểm cộng và trừ, tôi biết bản thân sẽ không muốn cầm lên một điếu thuốc nào nữa.

Về sau tôi mới nhận ra phương pháp này chỉ hiệu quả khi bạn có sự giao tiếp rõ ràng. Người cai thuốc nên được nhắc nhở họ đang bỏ thuốc vì điều gì, và nhận thức quá trình cai nghiện cũng là động lực để cả hai bên cùng cố gắng.

Bộc bạch hết cho nhanh

Việc hút thuốc cũng giúp tôi hiểu vì sao thuốc lá khó bỏ đến thế. Khi đã “đi ‘khoảng nửa dặm’ trong đôi giày nhân gian,” tôi nghĩ mình có đủ cơ sở và sự đồng cảm để lần nữa chất vấn bố về vấn đề này. Bố biết thừa những tác hại của thuốc lá. Khi thấy con gái mình đi theo vết xe đổ, có khi bố phải xem xét.

Bố bảo rằng việc tôi hút thuốc là một điều khó chấp nhận. Nhưng khi nói sang phần mình thì:

“Thuốc bố hút không gói nào quá 20 ngàn.”

“Từng này tuổi nhưng thuốc duy nhất bố dùng là thuốc lá đấy!”

Tôi cũng bắt đầu nói về việc tiết kiệm, chạy bộ hay chế độ dinh dưỡng tốt thật ra không bù đắp được tác hại của khói thuốc. Tôi nói thêm về tầm nguy hiểm của việc hút thuốc thụ động.

“Bố biết tất cả những điều này. Nhưng bố cũng lớn tuổi rồi. Bố muốn dành thời gian cho chuyện khác.”

Bố không tập bỏ thuốc, tôi phải tập bỏ qua

Trong nhà, tôi là người được tiếp xúc nhiều nhất với văn hoá phương Tây. Điện ảnh, truyền thông và cả những chuyến du học đã dạy tôi rằng được thể hiện cảm xúc là một điều đáng quý. Nếu được quyền cười và tỏ ra vui vẻ, hào hứng, chúng ta cũng được quyền khóc, tỏ ra sầu não và chán chường.

Những năm tháng tuổi trẻ của bố kém may mắn hơn tôi. Ông phải đối mặt với chiến tranh, đói nghèo và những trăn trở trong cuộc mưu sinh lên thành phố. Những điều bố học được chỉ dừng lại ở việc làm sao để duy trì cơm ăn áo mặc. Về cảm xúc, bố được dạy “một điều nhịn bằng chín điều lành.”

smoking3
Những năm tháng tuổi trẻ của bố kém may mắn hơn tôi. | Nguồn: Berke Araklı/Pexels

Mãi đến khi lớn lên, bố con tôi mới bắt đầu trò chuyện. Tôi lắng nghe những điều bố đã trải qua, và hiểu bố đã từng căng thẳng, lo âu thế nào. Tôi cũng thấy thuốc lá xuất hiện trong nhiều câu chuyện của bố.

Tôi nhận ra, bố đã bầu bạn với thuốc lá quá lâu.

Có cả ngàn lý do để một người không bỏ thuốc. Căng thẳng trong công việc, tính nam độc hại, áp lực đồng trang lứa, hoặc đơn giản là vì “hút thuốc vui.” Ai cũng có một cơ chế đối phó để giải toả cảm xúc của riêng mình. Người tìm bạn tâm sự, người xem hài, người tập gym. Bố tôi thì chọn hút thuốc.

Tôi đoán ở một thời điểm nào đó, lằn ranh giữa “hút thuốc để giảm căng thẳng” và “hút thuốc để được là mình” trong bố tôi đã bị xoá nhoà.

smoking4
Có những điều gắn liền với cuộc sống của bố mẹ, dù bạn có thích chúng hay không. | Nguồn: Tristan Le/Pexels

Tôi nghĩ không dễ để dạy bố mẹ chúng ta bất kỳ thứ gì. Với riêng tôi, dạy bố, hay bất kỳ ai, về việc tại sao nên bỏ thuốc sẽ luôn là điều gần như bất khả thi. Có cả ngàn lý do để bố tôi không bỏ thuốc.

“Những thứ bố nói cũng toàn là nguỵ biện thôi. Thuốc lá là thứ không nên khuyến khích. Tập được thì bỏ được. Quan trọng là đừng để mình phụ thuộc vào nó.” — Bố tôi kết lời.

Vậy, nếu bố không thể tập bỏ thuốc, tôi phải tập cách thông cảm và bỏ qua.

Kết

Yêu là hành trình không chỉ giữa những người bạn, người yêu mà còn giữa những thế hệ. Sẽ luôn có một sợi dây ràng buộc bố mẹ và chúng ta. Tình yêu thương và sự thấu cảm là những yếu tố giữ cho sợi dây ấy vẹn tròn.

Sau này, bố con tôi không nói gì về chuyện hút thuốc nữa. Nhưng tôi nhận ra chút nỗ lực của bố kể từ khi chị tôi sinh đứa đầu tiên. Bố chỉ hút ngoài sân, khi ở một mình hoặc né hút ở đầu gió để khói không lan sang cả nhà. Thôi coi như là thành công chút đỉnh.

Về phần tôi, tôi tin rằng mọi vấn đề trong cuộc sống đều có thể giải toả bằng một cách khác. Kể từ bây giờ, mọi lý do tôi đưa ra để hút thuốc đều là nguỵ biện.

Tôi đã nỗ lực dạy bố bỏ thuốc. Nhưng tôi nghĩ mình mới là người học được nhiều hơn.

“Cứ để con!” là chuỗi nội dung của Vietcetera, song hành cùng dự án Học Yêu By Prudential, với thông điệp: Trong gia đình, tình yêu chảy xuôi, và cũng chảy ngược; hãy học yêu để trở thành điểm tựa của nhau.

Ngoài ra, hãy đón xem Talkshow Học Yêu by Prudential, được phát sóng cố định vào thứ 7 tuần thứ 3 mỗi tháng trên 2 kênh Facebook của Prudential và Vietcetera.

Tìm hiểu thêm tại đây.