Vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 10, 2021

Vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam

Nhờ sự đồng hành của các quỹ đầu tư mạo hiểm, làn sóng các doanh nhân khởi nghiệp mới tại Việt Nam cũng có thêm nhiều cơ hội mở rộng quy mô và làm chủ thị trường.
Vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam

Thành công hay thất bại của một công ty khởi nghiệp đều dựa vào quyết định tài chính của các quỹ đầu tư mạo hiểm. | Nguồn: Shutterstock

ISEV - Vietcetera

Bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật vai trò quan trọng của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Nhà đầu tư giờ đây không chỉ đóng vai trò nguồn hỗ trợ tài chính để công ty khởi nghiệp duy trì hoạt động, mà còn giúp nhà sáng lập cùng đội ngũ nhân viên ứng phó với những thách thức trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Trong tháng này, công ty khởi nghiệp tiên phong trong lĩnh vực game blockchain, Axie Infinity, đã đạt tổng vốn hóa thị trường trị giá 2,4 tỷ USD chỉ sau 3 năm kể từ khi thành lập — là khoảng thời gian ngắn kỷ lục đối với một công ty công nghệ tại châu Á.

Mặt khác, vào tháng trước, KiotViet — nền tảng quản lý bán hàng hàng đầu dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ — đã thành công huy động khoản vốn đầu tư trị giá 45 triệu USD sau vòng Series B, được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư toàn cầu KKR.

Những nguồn vốn mới huy động sẽ giúp thúc đẩy quá trình phát triển để các doanh nghiệp tiến xa hơn, đồng thời hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân viên và mở rộng dịch vụ, tiếp tục gặt hái thành công. Sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch, những minh chứng cho sự thành công ấy chính là tin vui đối với thế giới hiện nay.

Những nguồn vốn mới huy động sẽ giúp thúc đẩy quá trình phát triển để các doanh nghiệp tiến xa hơn. | Nguồn: Shutterstock

Các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như các nhà đầu tư thiên thần, đều hiểu tường tận về những rủi ro bất thường trong quá trình xây dựng doanh nghiệp. Nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mức độ thành công của một công ty khởi nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay — khi cả nhà đầu tư lẫn các công ty nhận vốn đầu tư đều đang cố gắng vượt qua khó khăn, để có thể vươn lên phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.

“‘Kẻ mạnh là kẻ biết thay đổi để tồn tại’ — đó là kim chỉ nam cho mỗi nhà sáng lập có năng lực. Và phương châm đầu tư của Genesia Ventures luôn nhất quán: tin tưởng và đầu tư vào những nhà sáng lập có năng lực đó.” — Chị Dung Hoàng, Giám đốc văn phòng đại diện của Genesia Ventures tại Việt Nam, chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với Vietcetera.

Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm góp phần củng cố hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng tăng lên, trong đó có thể kể đến các quỹ Genesia Ventures, 500 Startups, VinaCapital Ventures, Mekong Capital và FEBE Ventures. Nhờ vậy, làn sóng các doanh nhân mới tại Việt Nam cũng có nhiều cơ hội hơn trong việc mở rộng quy mô và chiếm lĩnh thị trường.

Thúc đẩy sự đổi mới

Thành công hay thất bại của một công ty khởi nghiệp đều dựa vào quyết định tài chính của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Khi các quỹ đầu tư quyết định tin tưởng và rót vốn vào một doanh nghiệp, điều này sẽ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp trong rất nhiều năm sau đó.

Bởi lẽ, các quỹ đầu tư mạo hiểm chính là cầu nối giữa doanh nghiệp mới thành lập với thị trường quốc tế. Họ có trách nhiệm tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển, cũng như chấp nhận mức rủi ro cao nhất (đặc biệt với số vốn đầu tư giai đoạn đầu), nhưng vẫn cho phép doanh nghiệp thu về lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng lớn nhất.

Nhờ sự hỗ trợ về mọi mặt từ các quỹ đầu tư, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp càng có thêm động lực để đổi mới, đưa ra những ý tưởng góp phần thay đổi cộng đồng và thế giới.

Một trong số đó là quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures có trụ sở tại Việt Nam, tập trung hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, kế hoạch phát triển và hợp tác cho các công ty công nghệ danh tiếng trên thế giới thuộc hệ sinh thái kỹ thuật số toàn diện.

Theo một bài blog đăng trên trang Cekindo, VinaCapital sẽ trao quyền cho các doanh nhân có khả năng đưa ra ý tưởng táo bạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhằm tạo tác động lớn đến cuộc sống của người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Một ví dụ khác là quỹ đầu tư FEBE Ventures, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tài chính, logistics, công nghệ sức khỏe, và công nghệ giáo dục. Theo nhà đồng sáng lập Oliver Raussin, FEBE Ventures lấy đội ngũ sáng lập làm trọng tâm, cho họ sự tự do tuyệt đối trong việc phát triển các giải pháp độc đáo.

Trong số các công ty khởi nghiệp được FEBE đầu tư có thể kể đến Nano Technologies, công ty khởi nghiệp với sứ mệnh hỗ trợ tài chính cho người lao động. Nano hiện tập trung giải quyết 2 vấn đề phổ biến trong trong quy trình B2C: tính điểm tín dụng và thu tiền mặt. Với sự hỗ trợ của FEBE, Nano đã trở thành công ty khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được lựa chọn để gia nhập vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator, Hoa Kỳ.

Ngoài Nano, FEBE hiện cũng đang đầu tư vào một số công ty khởi nghiệp khác bao gồm: Propzy — công ty dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản; và Clevai — công ty cung cấp dịch vụ dạy kèm.

Khi nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư có chung đam mê và sứ mệnh, công ty khởi nghiệp sẽ có khả năng duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian dài, đạt mức doanh thu cao hơn. | Nguồn: Shutterstock

Hỗ trợ hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo

Trong kinh doanh, không phải ý tưởng táo bạo nào cũng có tiềm năng phát triển. Đặc biệt trong môi trường khởi nghiệp đầy cạnh tranh, tỷ lệ các ý tưởng được đồng thuận sau khi đề xuất chỉ chiếm khoảng 1%.

Một điều đáng tiếc nữa là đa số ý tưởng không được đồng thuận đều đến từ nữ doanh nhân. Chị Shuyin Tang, đồng sáng lập kiêm CEO tại Quỹ đầu tư Beacon Fund, đã chia sẻ về trăn trở của mình qua podcast “Vietnam Innovators”. Theo chị, thế hệ nữ doanh nhân tại Việt Nam hiện chưa nhận được đủ số vốn đầu tư cần thiết cũng như sự chú ý của các nhà đầu tư.

Chị chia sẻ thêm với host Hảo Trần, “Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn để đầu tư, đặc biệt sau kết quả kiểm soát dịch bệnh vào năm ngoái. Tuy nhiên, có một phân đoạn thị trường vẫn chưa nhận được sự chú ý đúng mực. Vì sao rất ít nữ doanh nhân nhận được số vốn đầu tư họ cần?”

Shuyin thành lập Quỹ đầu tư Beacon với mục tiêu giúp quá trình đầu tư trở nên minh bạch và dễ tiếp cận hơn đối với nữ doanh nhân. Quỹ Beacon hiện không chỉ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển lớn mạnh, mà còn ghi nhận và tôn vinh những thành tựu mà họ đạt được.

Ngoài vốn đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng có thế mạnh về các mối quan hệ đối tác trong kinh doanh trên thị trường toàn cầu. | Nguồn: Shutterstock

Nâng cao tỷ lệ thành công trong kinh doanh

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng hiểu rõ về quy trình hoạt động để đạt mục tiêu kinh doanh. Khi nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư có chung đam mê và sứ mệnh, công ty khởi nghiệp sẽ có khả năng duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian dài, đạt mức doanh thu cao hơn, từ đó nâng cao tỷ lệ thành công.

Ngoài vốn đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng có thế mạnh về các mối quan hệ đối tác trong kinh doanh trên thị trường toàn cầu. Nhà đầu tư có khả năng giới thiệu công ty khởi nghiệp tới đúng đối tượng, cũng như mở ra cơ hội để công ty khởi nghiệp tiếp cận được nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Qua đó, các công ty khởi nghiệp sẽ nhận nhiều sự chú ý hơn, và tiến đến sở hữu tiềm năng tăng trưởng doanh thu lớn hơn.

Để quá trình hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất, các quỹ đầu tư mạo hiểm nói chung và các nhà đầu tư nói riêng cũng cần đưa ra những lời nhận xét thẳng thắn nhất cho doanh nghiệp. Hơn nữa, họ cũng cần cam kết hỗ trợ và củng cố các công ty khởi nghiệp về mọi mặt trên chặng đường phát triển.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân