Cởi Mở: Lần đầu lái máy bay | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
19 Thg 08, 2022
Thương

Cởi Mở: Lần đầu lái máy bay

Sau khi đặt tay lên ngực chị, tôi được hỏi, “Thích không?” Tôi thẹn thùng trả lời, “Có… ạ.”
Cởi Mở: Lần đầu lái máy bay

Nguồn: Pexels

Đối với tôi, trải nghiệm yêu đương chênh tuổi - con gái nhiều tuổi hơn con trai - thật thú vị. Nếu như không ở trong một cuộc tình, mà cả hai chỉ giữ quan hệ bạn bè xã giao thì khoảng cách giữa người con trai nhỏ tuổi và người con gái lớn tuổi luôn thật lớn.

Tôi không biết các chị gái sẽ suy nghĩ như thế nào, nhưng từ phía tôi, tôi cảm thấy mình luôn phải giữ phép tắc xã hội. Tôi chào hỏi, xưng hô lễ phép với người lớn hơn, ngay cả khi ấy mình đã thích người ta mất rồi.

Hồi đi học, tôi hay được dạy rằng con gái dậy thì lớn hơn con trai, nên trong một cặp nam-nữ bằng tuổi, thì người con trai đã luôn giống như một đứa trẻ. Mối quan hệ của tôi với Ly thì còn đặc biệt hơn: Chị hơn tôi 8 tuổi, và luôn bảo tôi rằng hai đứa chúng tôi giống như hai cô cháu.

Sự chênh lệch tuổi tác vừa khiến tôi hơi… rén mỗi lần “hành sự,” đồng thời lại cho tôi cảm giác phiêu lưu. "Mình đã kéo hẹp được khoảng cách lớn như vậy, còn điều gì mình không làm được cơ chứ!" Nhưng cảm giác bỡ ngỡ đầu tiên thì vẫn trội hơn nhiều, nhất là khi bạn chấp nhận phô ra những gì riêng tư, yếu đuối nhất mà không biết đối phương trưởng thành hơn mình về mọi mặt có đánh giá mình trẻ con hay không.

“Câm nín” trong cuộc yêu

Giao tiếp thiếu hiệu quả là vấn đề đầu tiên bạn phải giải quyết khi bước chân vào một “May-December relationship.” Thời gian đầu ở bên nhau, Ly vẫn là chị và tôi vẫn là em. Dù là con trai, tôi lại là loại thích được chiều chuộng. Tôi thấy thật hạnh phúc khi có thêm một người chị mình có thể nắm tay và thơm má gần như hàng ngày.

Nhưng lối xưng hô ấy dần có vấn đề khi chúng tôi tiến xa hơn trong tình yêu. Đối với Ly, Gen Z chỉ là một lũ trẻ trâu thích quay TikTok, nói năng “dảk, bủh, khum…” mà tôi thì lại thuộc lứa Gen Z. Dù tình yêu khiến con người ta dần xoá bỏ những đường ranh giới truyền thống của xã hội, song Ly thì vẫn yêu cầu tôi phải người lớn lên, vì cô ấy không muốn yêu nhau mà cứ có cảm giác trông trẻ.

Đỉnh điểm, trong một lần tôi đưa chị về nhà và chào tạm biệt, Ly hét lên với tôi khi đã đi được một đoạn xa, “Đừng gọi tôi là chị nữa!” Nhưng xưng anh-em thì gượng mồm quá. Để quen dần, tôi và chị đều xưng “tôi” và gọi đối phương là “anh” và “em.”

Cuộc tình đã tiến triển tới ngưỡng có thể hôn nhau ở vệ hồ và động chạm cơ thể. Những đứa con trai khác có thể vô cùng phấn khích khi đợi được nhìn thấy cơ thể người yêu mình lần đầu, còn tôi thì lại vô cùng lo lắng. Chúng tôi cởi bỏ từng lớp vải trên người nhau. Chạm tới lớp cuối cùng, tôi ngượng đỏ mặt.

Ly gặng hỏi khi tôi nhỡ làm cô ấy tụt hứng, rằng có phải tôi không thích cơ thể của cô ấy hay không. Dĩ nhiên là tôi không có ý như vậy rồi. Nhưng cảm giác thật của tôi, rằng mình “non” quá, thì tôi không dám đề cập lúc này.

Vậy là chúng tôi đi đến thoả thuận, rằng khi make out hoặc làm tình, tôi sẽ xưng “anh” còn Ly xưng “em” để vượt qua chuyện tuổi tác. Quả thật, ngôi xưng hô quyết định thái độ mình có đối với một người, một mối quan hệ. Tôi mạnh dạn hơn và cả hai có cuộc yêu thoả mãn, dù đôi lúc, khi Ly hỏi - “Thích không?” - tôi vẫn quen cách cũ, đặt chữ “ạ” vào sau chữ “có.”

Vượt qua khoảng cách bằng sự tin tưởng lẫn nhau

Đổi ngôi xưng hô là điều khó khăn nhất tôi và Ly cùng phải trải qua trong mối quan hệ phi công-máy bay này. Nhưng ngay cả khi đã đổi được ngôi, thì tôi không thể ngay lập tức biến thành một người đàn ông chững chạc ngoài 30 để không “lệch” so với Ly được.

Xưng anh-em là một cách để chúng tôi có thể ở bên cạnh nhau mà không cần phải nghĩ nhiều đến những định kiến của xã hội về tình yêu lệch tuổi. Thuộc về hai gia đình truyền thống, cả hai chúng tôi đều được dạy rằng tình yêu là nữ phải ít tuổi hơn nam. Mấy lần, Ly chia sẻ với mẹ về chuyện của bọn tôi. Câu trả lời là “Hãy chỉ coi nhau là chị em tốt thôi nhé!”

Còn tôi thì chưa từng dám tiết lộ với người thân rằng mình là phi công, vì tôi không cảm thấy có cơ hội để mình nói ra điều đó.

Bên ngoài mối quan hệ này là bão tố. Nên điều quan trọng hơn để tình yêu bền vững là cả hai người phải tin tưởng sẻ chia trải nghiệm, cảm xúc, và những khúc mắc cá nhân. Nếu phi công không mạnh dạn nói tay lái của mình chưa vững, thì chuyến bay sẽ thật gập ghềnh. Tương tự, nếu tôi cứ ấp úng mỗi lần cả hai thân mật mà không dám chia sẻ với đối phương, thì hẳn tôi sẽ được xem như một người vô tính, hoặc cần phải đi khám bệnh.

Điều quý giá nhất tôi học được ở mối quan hệ của mình không phải vì Ly là máy bay nên cô ấy có nhiều kiến thức về tình dục hơn và có thể dạy tôi được mọi thứ. Mà tôi học được cách cởi bỏ những rụt rè của bản thân, và cả những định kiến mà xã hội đã gài vào đầu tôi lúc nào không hay.

Chúng tôi không quá để ý tới chuyện cả hai có nhất thiết phải lên đỉnh cùng lúc hay không, mà tận hưởng cuộc trò chuyện tâm tình kéo dài nhiều tiếng đồng hồ sau đó, từ ký ức tuổi ấu thơ, những sang chấn thay đổi cuộc đời mình, và mọi biến cố khác trên đời dẫn chúng tôi đến “cảnh giới” tay trong tay như ngày hôm nay.

Qua sự thấu cảm cả hai dành cho nhau một cách tuyệt đối, chúng tôi còn có thể hiểu vì sao người kia thích tư thế này, vì sao họ cảm thấy kích thích khi nhìn thấy hình ảnh kia. Chung giường với nhau không chỉ là thoả mãn ham muốn cá nhân, mà còn là lật giở những trang sách của cuộc đời nhau, từ đó càng yêu thương và trân trọng nhau hơn.

Bài viết được chấp bút thông qua phỏng vấn nhân vật