Cởi Mở: Lần đầu “tắt đài” giữa hiệp | Vietcetera
Billboard banner

Cởi Mở: Lần đầu “tắt đài” giữa hiệp

Những lần “đứt gánh giữa đường” đều để lại cho tôi cảm giác chưa hoàn thành. Nó khó chịu như một series đang hay thì bị nhà đài cho ngừng.
Cởi Mở: Lần đầu “tắt đài” giữa hiệp

Nguồn: Unsplash

Tôi và Thi bắt đầu làm tình không lâu sau khi quen nhau. Sex đối với chúng tôi nảy sinh từ nhu cầu tình cảm nhiều hơn là nhu cầu sinh lý. Cũng vì vậy mà cứ mỗi lần gần gũi, cảm xúc thường rất khó ngăn, và chúng tôi lại làm tình.

Một tối, sau khi ăn uống và dọn dẹp, Thi ngồi lên người tôi, và chúng tôi bắt đầu hôn nhau. Mà hôn rồi thì phải chạm vào người. Mà chạm chỗ này rồi thì phải chạm tiếp chỗ khác. Phòng ăn thì không tiện, thế là cả hai bế nhau lên lầu.

Đêm ấy trời không quá nóng, nên chúng tôi để cửa mở, rồi nằm hướng đầu về cửa sổ để tránh bị khô. Sau khi dạo đầu đầy đủ, tôi để Thi nằm dưới rồi “tra chìa.” Tôi là người thích chủ động, vì vậy tư thế truyền thống chưa bao giờ khiến tôi thất vọng.

“Êeeee!”

Hì hục được chừng năm phút, một tiếng la từ toà nhà nào đó vang lên. Sự tập trung của tôi chuyển từ “thằng em” lên thằng nào đó ngoài kia, từ “cửa dưới” lên cửa sổ. Tâm trí tôi bắt đầu quay cuồng. Tôi không thể ngừng nghĩ về âm thanh ban nãy, dù đang có rất nhiều âm thanh khác đáng nghe hơn trong phòng.

Tôi vội vã đưa tay réo phăng rèm. Lúc này, đến tiếng vải bay cũng làm đầu tôi nhiễu loạn. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại xìu đi nhanh hơn.

“Thôi, mình ngừng ở đây được không? Anh không thể ngừng nghĩ về tiếng la khi nãy.”

Gắng gượng thêm một lúc, tôi chậm rãi lắc đầu rồi nói với Thi, khi vẫn đang ở trong em. Thi hơi ngạc nhiên, nhưng không trách cứ gì tôi. Chúng tôi ngừng lại rồi nằm cạnh nhau. Thi nhẹ nhàng âu yếm giúp tôi thả lỏng, nhưng điều đó không giúp ích được nhiều.

Hóa ra cảm xúc cũng có lúc… ngắt quãng. Thậm chí là “tắt" giữa cuộc vui.

Lỡ cỡ khi chưa “hạ màn”

“Tắt đài giữa hiệp” là một trải nghiệm cho tôi nhiều cảm xúc cùng lúc. Cái dễ thấy nhất là sự xấu hổ vì không thể “về đích” — yếu tố then chốt thường được dùng để “hạ màn” cho mỗi cuộc yêu.

Với phụ nữ, việc khó lên đỉnh là một vấn đề đã xảy ra từ lúc tiến hoá, khi bộ phận tạo khoái cảm di chuyển ra ngoài âm đạo (tức phần âm vật).

Với đàn ông, việc lên đỉnh được mã hoá bằng một màn “pháo hoa.” Không có “pháo hoa” nghĩa là không lên đỉnh. Và tôi cũng chẳng biết phải giả vờ lên đỉnh kiểu gì.

Ngoài lần đấy, những lần tôi tụt hứng giữa chừng đều vì lý do rất khác nhau: tra chìa mãi mà không vào, tuột ra ngoài liên tục, hay đầu óc bận tâm nghĩ đến chuyện khác. Có người lạ la lên chỉ tiện hơn vì tôi sẽ thứ gì đó để đổ thừa.

Nhưng sau mỗi lần như vậy, chúng đều để lại cho tôi cảm giác chưa hoàn thành — tiếng Anh người ta gọi là “unfinished.” Nó khó chịu như một series đang hay thì bị nhà đài cho ngừng, hoặc ca sĩ đang hát thì dàn âm thanh tắt tiếng.

Sự lỡ cỡ này thường đeo bám tôi cho đến lần tôi lên đỉnh tiếp theo. Nó khiến tôi thấy mình trông như một người dễ bỏ cuộc, chơi không tới, làm không xong. Vì vậy, cứ mỗi lần như thế, tôi thường muốn quay lại với sex ngay sau vài tiếng, hoặc vào sáng ngày hôm sau hòm phần nào lấy lại danh dự cho mình.

Thế khó của việc không-thể-quay-đầu

Nhưng xấu hổ vì ngừng lại không tệ bằng sự bối rối khi đứng giữa lựa chọn tiếp hay không (hoặc ngồi, hoặc nằm, tùy lúc). Là “tấm chiếu đã trải,” tôi thấy một cuộc làm tình cũng khá giống một buổi pitch dự án.

Cùng một tình huống chỉ được “hoàn thành” chứ không được “hoàn tác.” Cùng một tâm lý muốn phô bày hết khả năng của mình. Cùng một tham vọng “muốn thắng pitch,” vì nếu không “thắng” thì sẽ chẳng có các buổi “họp mặt” tiếp theo.

Và cùng một nỗi lo “mất mối với khách hàng,” vì rõ ràng không ai muốn giao dự án cho một người trình bày ý tưởng mà nói lắp bắp, nhát gừng.

Viết đến đây thì tôi lại nhớ đến “nguỵ biện chi phí chìm.” Chúng ta dễ có nhiều tiếc nuối hơn với những thứ đã mất, nhất là khi nó đã được đầu tư quá nhiều công sức và thời gian. Cảm giác này trong tình dục cũng tương tự, bởi đó là lúc ta phơi bày tất cả và đầu tư mọi thứ mình có, cả thể xác lẫn tâm hồn.

Và khi đã vào thế không thể quay đầu, tương lai của ta chỉ có thể được định đoạt từ hai lựa chọn: tiếp tục hoặc dừng lại.

Được ăn cả, ngã… thì đứng lên!

Tôi đoán rằng “chi phí chìm” này sẽ lớn hơn đối với những người mới hẹn hò, hoặc tìm hiểu nhau thông qua sex trước. Ở trong mối quan hệ lâu dài giúp tôi phần nào nhẹ gánh hơn mỗi khi không thể “gánh” tiếp. Hơn nữa, Thi cũng là người thấu hiểu và thông cảm cho tôi.

“Những lúc anh như vậy, ai mà quan trọng gì đích đến. Em chỉ lo anh bị làm sao thôi.”

Sau nhiều cuộc nói chuyện, tôi và Thi kết luận rằng mối quan hệ nào cũng có lúc có thì. Cơm không phải lúc nào cũng ăn chung; tình dục không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những cuộc yêu đã bắt đầu thì không nhất thiết phải có cùng một cái kết. Người ta yêu nhau cũng có những đoạn yêu nhau ít đi, vì những thứ khác mà tình cảm trở nên nhạt nhoà.

Nhưng tình yêu đi xuống không có nghĩa là nó không thể đi lên. Nếu không tin vào điều này, tôi e rằng mình khó có thể duy trì bất kì thứ gì trong tình yêu, chứ không riêng gì tình dục. Và nếu Thi không tin điều tương tự, chắc tôi sẽ còn rất thấp thỏm mỗi khi “rớt đài.”

Sẵn nói chuyện tài chính ở trên, tôi lại xin phép ví von chuyện này với chuyện chơi cổ phiếu. Người nào chơi kiểu “lướt sóng” thì sẽ chọn “cắt lỗ” để rút sớm — cái này áp dụng với những mối quan hệ “qua đường”, tình một đêm hoặc “ăn bánh trả tiền”. Còn người chơi lâu thì mua rồi để đó, thấy nó xuống thì đợi nó lên.

Hai thứ này một cái là nhu cầu kiếm tiền, một cái là nhu cầu sinh lý. Nhưng khi đã thật sự mê, người ta thường đặt cam kết nhiều hơn với lá cổ phiếu mình mua. Và khi đã thật sự yêu, người ta cũng đặt cam kết nhiều hơn với người mình chọn, dù một trong hai có đổi thay thế nào.

Nhưng làm gì thì làm, sau này nhớ kéo cái rèm kín lại là được.

Bài viết được chấp bút thông qua phỏng vấn nhân vật.