Đi siêu thị - Phương pháp “trị liệu” phiền não của năm | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 12, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Đi siêu thị - Phương pháp “trị liệu” phiền não của năm

Gặp phiền não? Cứ vào siêu thị! Nghe lạ lùng nhưng đây thật ra là một hình thức xả stress hiệu quả.
Đi siêu thị - Phương pháp “trị liệu” phiền não của năm

Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Bạn thường làm gì để xả stress?

Ở thời buổi mà đâu đâu cũng thấy áp lực, chúng ta khá chịu chi cho các loại hình dịch vụ như một hình thức trị liệu (therapy) nhằm xoa dịu tinh thần. Từ cắt tóc, gội đầu, làm móng đến ăn uống, massage, karaoke.

Nhưng đã bao giờ bạn nghe đến phiên bản trị liệu bình dân có tên là “siêu thị therapy” chưa? Là đi siêu thị (hoặc cửa hàng tiện lợi) chứ không phải là mua sắm quần áo như chúng ta vẫn thường biết.

Vậy mà đây lại là điểm đến của khá nhiều người mỗi khi bị deadline rượt, tuột mood hay cãi nhau với người yêu. Thậm chí trên Facebook còn tồn tại một hội nhóm có tên là “siêu thị therapy” gồm những thành viên chia sẻ niềm đam mê mãnh liệt với việc đi siêu thị.

Vậy vì sao mà nhiều người lại thích lao ra siêu thị mỗi khi stress?

Mua hàng siêu thị mang lại cảm giác được kiểm soát

Theo nghiên cứu, nỗi buồn của chúng ta có liên quan đến cảm giác mất đi kiểm soát các kết quả xảy ra trong cuộc sống. Và cũng theo nghiên cứu, việc đưa ra quyết định mua sắm có thể giúp củng cố cảm giác được làm chủ môi trường xung quanh, đồng thời xoa dịu cảm giác buồn bã.

Quyền được lựa chọn kết quả khi đi mua sắm có thể khôi phục lại cảm giác tự chủ của cá nhân. Thậm chí, được mua những gì mà mình thích mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát hơn đến 40 lần so với việc không được mua sắm.

Được mua những gigrave migravenh thiacutech khiến ta cảm thấy mọi thứ trong tầm kiểm soaacutet hơn
Được mua những gì mình thích khiến ta cảm thấy mọi thứ trong tầm kiểm soát hơn.

Và nếu so sánh giữa đi siêu thị với mua sắm quần áo thông thường, thì đi siêu thị phần nào nhỉnh hơn trong việc đem lại cảm giác này. Bởi trứng gà và sữa tươi thì không hết size, không có chuyện mặc vào mới biết không hợp, hoặc chỉ đẹp khi ở phòng thử đồ.

Đánh lạc hướng bạn khỏi cảm giác lo âu

Cách bài trí hàng hóa ở siêu thị là tổ hợp của những thủ thuật tâm lý. Từ mùi thơm của mẻ bánh mì mới nướng, sự nhộn nhịp khi mọi người ăn uống ở quầy phục vụ nhanh đến cảm giác thỏa mãn kỳ lạ khi nhìn những dãy hàng hóa đều tăm tắp trên kệ.

Nhiệm vụ của chúng là kích thích toàn bộ các giác quan và từ đó khiến ta chịu chi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó những kích thích này cũng góp phần phân tán sự chú ý của chúng ta ra khỏi những vấn đề của mình.

Theo nhà tâm lý Scott Bea thì mùi hương tươi mới, ánh sáng sực rỡ và bảng hiệu đầy màu sắc kết hợp với nhau kích thích trí tưởng tượng của ta, từ đó giúp ta thoát khỏi thực tại dù chỉ trong chốc lát. Bên cạnh đó, các kích thích về giác quan cũng giúp chúng ta hình dung ra viễn cảnh tích cực hơn.

Bạn được đi ra ngoài nhưng không cần giao tiếp

Khác với cửa hàng quần áo, tiệm tạp hóa và chợ, từ lúc bước vào đến lúc ra khỏi cửa siêu thị, bạn hiếm khi phải mở lời với ai.

Mức độ tự động hóa cao (cửa ra vào tự đóng mở, các quầy hàng chẳng cần giám sát, thu ngân chỉ cần quét mã vạch để tính tiền) khiến cho trải nghiệm mua sắm ở siêu thị trở nên kiệm lời hơn bao giờ hết. Không hỏi han, không mặc cả, không có nhân viên bán hàng với mánh khóe thuyết phục.

Bạn có thể điềm nhiên đi dạo quanh siêu thị, nhìn đông ngó tây trong hàng tiếng đồng hồ mà không phải “thực hiện trách nhiệm xã hội”. Với một ngày mà năng lượng chạm đáy, đi siêu thị cho bạn một lý do hẳn hoi để bước ra ngoài mà vẫn được “yên thân” trong suốt quá trình.

Dopamine được giải phóng

Cảm giác sung sướng không chỉ đến sau khi bạn mua được món hàng yêu thích. Niềm vui của việc mua sắm thường đến trong quá trình dạo quanh, nhìn ngắm thậm chí là từ lúc lên kế hoạch.

Theo các nhà tâm lý, dopamine (hormone tạo cảm giác phấn chấn) không chỉ tiết ra khi bạn đạt được phần thưởng mà đã được giải phóng ở giai đoạn dự đoán về phần thưởng.

Nói cách khác, chỉ cần trong tâm thế chuẩn bị đi siêu thị và nghĩ về những món hàng bạn tự thưởng cho mình (chai nước xả vải mới, bịch snack yêu thích) là đã đủ cảm thấy phấn khích rồi. Cảm giác này cũng tương tự như khi xếp hành lý cho chuyến du lịch sắp đến vậy.

Danh sách đi siêu thị cũng giống như to-do list. Bỏ một món hàng vào giỏ cũng khiến bạn sướng như hoàn thành công việc trong list vậy.

Bên cạnh đó, danh sách mua hàng cũng giống như to-do list. Bỏ một món hàng vào giỏ cũng tựa như việc gạch bỏ công việc đã hoàn thành, đều là một "cú hích" dopamine làm bạn thấy hưng phấn.

Kết

Nếu so với đi một quả tóc mới hoặc gói massage kéo dài 60 phút, thì đi siêu thị có vẻ là một hình thức xả stress “kinh tế” hơn. Chưa kể, bạn còn có thể thực hiện nhiều lần trong tuần (miễn là đừng vung tay quá trán).

Trong những lý do kể trên, đâu là điều khiến bộ môn “siêu thị therapy” trở thành chân ái của bạn và liệu còn có lý do nào khác?