Bạn có phải là một echoist — kiểu người bỏ bê bản thân? | Vietcetera
Billboard banner

Bạn có phải là một echoist — kiểu người bỏ bê bản thân?

Nếu không phải người ái kỷ (narcissist), liệu bạn có đang bỏ bê bản thân đến mức cực đoan?
Bạn có phải là một echoist — kiểu người bỏ bê bản thân?

Bạn có phải là một echoist — kiểu người bỏ bê bản thân?

Chúng ta đã khá quen thuộc với khái niệm người ái kỷ (narcissist) và các dấu hiệu đặc trưng của kiểu người yêu bản thân quá mức này. Vậy có kiểu người nào không hề trân trọng mình, trái lại cứ mải mê đi “yêu” những người khác không?

Thật ra là có. Echoist là kiểu người như vậy — luôn quên mình vì người khác, đến mức bỏ bê nhu cầu của bản thân. Đây là một phiên bản cực đoan hơn cho dạng tính cách quen thuộc — những người luôn muốn làm hài lòng người khác (people pleaser).

Echoist là gì?

Từ “echoist” cũng có chung nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp giống từ “narcissist". Nữ thần Echo bị thần Hera tước đi giọng nói, thứ duy nhất nàng thốt ra được là từ cuối cùng trong lời của người khác. Nàng si mê chàng Narcissus chỉ biết có bản thân mình, nhưng không cách nào bày tỏ được.

Khái niệm tính cách echoist (tạm dịch: bỏ bê bản thân) cũng tương tự nhân vật Echo — như “tiếng vọng" của những người xung quanh và không bao giờ nói lên suy nghĩ của mình, chỉ có thể lặp lại từ người khác.

Và cũng như nàng Echo, trớ trêu thay yêu phải chàng Narcissist — người sẽ không bao giờ đáp lại tình cảm của nàng, những người echoist cũng thường bị thu hút bởi những người yêu bản thân. Bởi vì họ sợ trở thành gánh nặng cho người khác, mà những người ái kỷ thì vừa vặn bù trừ cho điều đó.

Dấu hiệu nhận biết một echoist

Trong cuốn “Rethinking Narcissism” (Tạm dịch: Suy nghĩ lại về sự ái kỷ), nhà tâm lý học Craig Malkin cho biết, "echoism" là trạng thái thiếu đi khả năng yêu bản thân lành mạnh. Cụ thể, những người echoist thường thể hiện các dấu hiệu tâm lý và hành vi đặc trưng như sau:

1. Luôn đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân

Họ luôn cố gắng hoàn thành mong muốn của người khác, dù có phải hy sinh mong muốn của mình. Chính vì thế họ thường không biết cách từ chối và đặt ranh giới cá nhân để bảo vệ mình khỏi việc bị lợi dụng và thao túng. Nhưng có thể họ không nhận ra điều đó, mà chỉ cho rằng mình đang làm điều tốt — đó là giúp đỡ người khác đến quên mình.

Echoist 1
Kiểu người echoist luôn muốn làm hài lòng người khác, đến mức hy sinh mong muốn của mình.

2. Sợ trở nên đặc biệt và nổi bật

Trái ngược với những người ái kỷ luôn khao khát được là tâm điểm của sự chú ý, echoist chính là người ở trong bóng tối trợ giúp rọi đèn và ủng hộ vô điều kiện. Họ luôn né tránh sự chú ý về mình và dành toàn bộ sức lực của mình để làm hài lòng người khác.

3. Sợ làm phiền người khác

Nỗi sợ trở thành gánh nặng luôn thường trực trong suy nghĩ của họ, gây cản trở họ bày tỏ những cảm xúc thông thường, mở lòng chia sẻ suy nghĩ hoặc sở thích cá nhân. Cho dù có đang bị căng thẳng quá mức hoặc quá tải công việc, họ cũng sẽ không mở lời nhờ người khác giúp đỡ.

Echoist 2
Đây là kiểu người rất dễ bị căng thẳng và kiệt sức. Họ luôn tự ôm đồm vì không muốn thành gánh nặng cho người khác.

4. Sợ bị hỏi ý kiến cá nhân

Họ tin rằng nếu chiều theo ý của người khác, luôn gật đầu với đề xuất của mọi người thì sẽ được yêu quý và giữ được quan hệ tốt. Họ đã quá quen với việc tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác hơn là làm điều cảm thấy nên làm; lâu dần mất đi khả năng phán đoán điều gì là nên làm.

5. Sợ nhận lời khen

Họ không biết xử lý lời khen ngợi bất ngờ dành cho mình, bởi họ không quen với việc được "nhìn thấy", không bao giờ tự khen ngợi với các thành tựu mình đạt được, thậm chí cảm thấy mình không xứng đáng với những thành công đó.

6. Thường tự đổ lỗi cho mình

Bởi vì sợ trở thành gánh nặng nên họ luôn rất nghiêm khắc với bản thân và đổ lỗi cho mình về mọi thứ. Khi mối quan hệ gặp trục trặc, họ thường là người nhận lỗi về mình đầu tiên. Vì thế họ rất dễ mắc kẹt trong những mối quan hệ độc hại và dễ dàng bị thao túng.

Echoist 3
Họ tự đổ lỗi cho bản thân về mọi thứ để trốn tránh cảm xúc thật sự.

7. Thường rất nhạy cảm và thấu cảm

Echoist là những người giỏi lắng nghe, tinh tế, quan tâm và thường thấu cảm với người khác, nhưng theo chiều hướng tiêu cực. Bởi lẽ họ đang cố tự điều chỉnh để hoà hợp với người khác chứ hiếm khi thật sự vì bản thân.

Nguyên nhân khiến echoist có xu hướng bỏ bê chính mình

Mối quan hệ với người nuôi dưỡng

Có lẽ ai cũng sẽ thấy mình ít nhiều có một hoặc một vài dấu hiệu trên, bởi kiểu nuôi dưỡng đặc thù của nhiều bậc cha mẹ châu Á. Nhiều trẻ em châu Á dành cả thời thơ ấu để tự điều chỉnh cho phù hợp với kỳ vọng của bố mẹ. Vì sợ làm phật lòng người lớn nên phải hình thành thói quen quan sát hành vi và đáp ứng kỳ vọng của người khác, vì phải luôn nghe theo mệnh lệnh nên không được rèn luyện việc đưa ra chính kiến.

Người nuôi dưỡng có tính ái kỷ cao

Những cha mẹ hoặc người chăm sóc càng có xu hướng ái kỷ thì xác suất con cái của họ trở thành echoist sẽ càng cao. Họ chú tâm đến nhu cầu cá nhân, luôn muốn con làm hài lòng mình và không khuyến khích con cái thể hiện cá tính bản thân mình quá nhiều. Điều này cũng vô tình tạo cho họ kiểu gắn bó lo âu hoặc né tránh về sau.

Người nuôi dưỡng gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh cảm xúc

Trong cuốn sách "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ", tác giả Đặng Hoàng Giang ghi lại rất nhiều câu chuyện về những bậc cha mẹ không giỏi điều chỉnh cảm xúc, do đó ảnh hưởng nặng nề đến sự trưởng thành của con trẻ. Con cái phải hoán đổi vai vế (role-reversal) để trợ giúp, chăm sóc cho cha mẹ thay vì phát triển tâm lý như bình thường, đến mức quên đi bản thân. Những trải nghiệm tuổi thơ như thế sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các hành vi và suy nghĩ sau này.

Những người echoist thường là phụ nữ

Điều này có thể xuất phát từ những quan niệm và áp lực xã hội từ xưa. Phụ nữ phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà” và luôn được khuyến khích hy sinh cho gia đình. Điều này vô hình đã biến họ trở thành một cái bóng, quên mất chính mình và luôn sống vì người khác.

Tỉ lệ này dựa trên thống kê về giới tính của những người echoist từng tìm đến việc trị liệu. Cũng không thể loại trừ khả năng con số này chênh lệch là vì nam giới không muốn tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia, do ảnh hưởng của tính nam độc hại (toxic masculine).

Kết

Hãy tưởng tượng trên một phổ (spectrum), nếu người ái kỷ nằm ở đầu “yêu thương chính mình”, thì đầu bên kia chính là những người echoist, còn điểm ở giữa là những người biết cách yêu thương bản thân hợp lý (healthy level of narcissism). Vì thế, trong chúng ta đều có một phần ái kỷ lẫn bỏ bê bản thân, và tốt nhất là giữ được hai dạng tính cách này ở mức độ lành mạnh.

Ở dạng ‘lành tính’ nhất, tính cách echoist thể hiện những đặc điểm của sự khiêm tốn, dễ hài lòng. Nhưng ở dạng cực đoan, nó dẫn đến một lối sống từ bỏ tiếng nói, sự tồn tại và quyền tự quyết cá nhân. Nếu cảm thấy mình có quá nhiều dấu hiệu và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, nên tìm đến chuyên gia để có lời khuyên chính xác nhất.