Tại sao những thông tin bạn tiêu thụ hằng ngày lại quan trọng? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
10 Thg 09, 2020
Tâm Lý Học

Tại sao những thông tin bạn tiêu thụ hằng ngày lại quan trọng?

Những văn hóa phẩm bạn tiêu thụ hằng ngày tác động đến cách ta nhìn nhận mọi việc như thế nào?

Tại sao những thông tin bạn tiêu thụ hằng ngày lại quan trọng?

Tâm Phạm cho Vietcetera

Cuộc sống của chúng ta gắn liền với những gì ta tiêu thụ hằng ngày. Nếu như thức ăn và nước uống giúp ta duy trì hoạt động thể chất thì lướt web, sách báo, phim ảnh, âm nhạc lại hỗ trợ ta về mặt tinh thần.

Bạn có bao giờ tự hỏi những văn hóa phẩm mà chúng ta tiêu thụ có tác động như thế nào đến cách mà ta nhìn nhận mọi việc? Bài viết này sẽ diễn tả thật đơn giản cách mà những thông tin ta tiêu thụ hằng ngày ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhận thức và định hình kiến thức về xã hội của chúng ta.

Định kiến vô thức (Unconscious Bias)  

Định kiến vô thức là những kiến thức rập khuôn một cách tự động, không kiểm soát, hằn sâu vào niềm tin, hệ tư tưởng của mỗi người và có khả năng ảnh hưởng đến hành động của họ. Những định kiến này có thể xuất phát từ những ‘khuôn mẫu tiêu cực’ (negative stereotype) về màu da, giới tính, sắc tộc,... Chúng không nhất thiết đại diện cho niềm tin, ý kiến của ta. Nhưng bằng một cách vô thức, chúng vẫn góp phần chi phối cách mà ta suy nghĩ và hành động .

Những khuôn mẫu tiêu cực cũng góp phần hình thành nên định kiến của chúng ta
Những 'khuôn mẫu tiêu cực' cũng góp phần hình thành nên định kiến của chúng ta

Ví dụ, chúng ta vẫn luôn được giáo dục và tin vào sự bình đẳng nam nữ. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp, phụ nữ vẫn gặp khó khăn trên con đường thăng tiến bởi những quan điểm như: "phụ nữ thì cảm xúc nên không phù hợp để làm sếp", "sếp nữ thì khó tính, sếp nam thoải mái hơn", "con cái sẽ khiến phụ nữ không thể tập trung cho sự nghiệp như đàn ông",... Và không phải đàn ông, chính phụ nữ đôi khi lại tự giới hạn bản thân bởi những suy nghĩ như vậy. 

Những khuôn mẫu tiêu cực như trên một phần xuất phát từ những sản phẩm văn hóa ta tiêu thụ hằng ngày, ví dụ như phim ảnh. Chúng ta thường xem những bộ phim có kiểu nhân vật nữ phản diện điển hình như mụ phù thủy, mụ dì ghẻ, mẹ chồng khó tính, ‘tiểu tam’,...

Những tích cách có phần tiêu cực như ‘toan tính’,‘ích kỷ’, ‘khó chịu’ thường được gắn lên phụ nữ và trớ trêu thay, những nội dung này lại rất được ưa chuộng. Một cách vô thức, đôi khi chúng ta lại liên hệ thực tế với thế giới trong phim.

Ghi nhớ và hình thành kiến thức (Learning and memorizing formation) 

Vấn đề định kiến và khuôn mẫu không chỉ dừng lại ở đó. Một khi những suy nghĩ này hằn sâu trong ký ức, ta dễ đưa ra nhận định sai lầm và coi đó là kiến thức mà mình học được.

Trong quá trình hình thành kiến thức, khi ghi nhớ và tiếp thu điều mới, não bộ sẽ điều chỉnh các liên kết giữa các tế bào thần kinh (neuron). Qua mạng lưới các tế bào này, những thông tin chúng ta quan sát và cảm nhận được sẽ được truyền vào bộ nhớ ngắn hạn (short-term memory) qua các hợp thần kinh (synapse). Bằng cách củng cố các liên kết này, những gì ta tiếp nhận về lâu dài sẽ trở thành kiến thức của ta. 

Việc đọc sách là một ví dụ điển hình. Đọc sách thường tốn nhiều thời gian để tiếp nhận thông tin hơn là xem phim. Chính sự suy ngẫm (contemplation) và trực quan hoá (visualization) trong thời gian dài, chúng ta xây dựng những liên kết vững chắc đối với những gì đã đọc được.

Những gì chúng ta tiếp nhận hằng ngày qua thời gian sẽ hình thành kiến thức của ta
Những gì chúng ta tiếp nhận hằng ngày, qua thời gian sẽ hình thành kiến thức của ta

Trong những cuốn sách về làm giàu hiện nay, người đọc tiếp nhận thông tin rằng giàu có là do năng lực, chăm chỉ và cố gắng. Điều này không sai nhưng lại vô tình bỏ qua những yếu tố phức tạp khác như hoàn cảnh xuất thân, bối cảnh xã hội và thậm chí là cả may mắn. Nếu chỉ tiêu thụ thông tin theo một chiều mà thiếu đi sự phản biện, ta sẽ dễ rơi vào bẫy 'thiên kiến xác nhận' (confirmation bias) — chỉ tìm kiếm thông tin ủng hộ quan điểm của mình. Điều này sẽ dẫn đến cái nhìn thiếu hụt về làm giàu mà ta ngộ nhận là kiến thức.

Đọc sách cũng là một hình thức tiêu thụ thông tin, và những gì chúng ta đang tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn, thái độ và cả hành động trong thực tại. Để tiêu thụ thông tin một cách hiệu quả, chúng ta cần đa dạng hóa góc nhìn, học cách tư duy phản biện, kiểm tra độ tin cậy của nguồn thông tin, cũng như kết hợp với trải nghiệm bản thân. Bởi vì không phải những gì trong sách đều mặc nhiên là đúng và có thể áp dụng lên chính mình.

Kết

Những thông tin ta tiêu thụ hằng ngày từ trước đến nay góp phần hình thành nhận thức và hiểu biết của ta ở hiện tại. Do đó, hãy thận trọng với cách mà ta sử dụng thời gian của mình, đặc biệt là cho mục đích tiêu thụ thông tin. Vì những gì mà ta nghe, đọc và xem hằng ngày sẽ định hình nên thế giới quan của ta về cuộc sống và con người.