Vì sao đạt giải nhì kém vui hơn giải ba? | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 12, 2022
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao đạt giải nhì kém vui hơn giải ba?

Ngoài thi đấu thể thao, tâm lý “xém nữa thì được” còn xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.
Vì sao đạt giải nhì kém vui hơn giải ba?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Đội tuyển Pháp đã đạt Á quân trong mùa giải World Cup 2022. Dù vậy trong giây phút nhận giải, tiền đạo Kylian Mbappé mang nét mặt có phần tiếc nuối vì để lọt chiếc cúp vô địch, đặc biệt khi anh đã lập hat-trick trong trận chung kết. Ở trận tranh hạng ba, đội tuyển Morocco dù chỉ về thứ 4 chung cuộc, nhưng đã có màn ăn mừng lịch sử khi trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào vòng bán kết World Cup.

28dec2022mbappejpg
Gương mặt tiếc nuối của Mbappé khi đội tuyển Pháp vuột mất ngôi vô địch. | Nguồn: FIFA

Tâm lý này không chỉ phổ biến trong thể thao. Thời đi học, có lẽ bạn vẫn nhớ cảm giác ức chế khi nhận điểm tổng kết 7.9, bởi chỉ còn thiếu 0.1 là bạn trở thành học sinh giỏi. Trong khi đó, có những bạn chỉ đạt 7.5 thì lại hài lòng và không tiếc nuối điều gì. Vậy điều gì đã khiến tâm lý “xém chút nữa là được” trở nên khó chịu như vậy?

Nhìn nhận giải nhì là mất mát thay vì thành tựu

Theo nghiên cứu của Medvec, Madey & Gilovich năm 1995, các vận động viên đạt huy chương đồng có xu hướng cười nhiều hơn các đồng đội giải bạc. Hiện tượng này xảy ra cả khi kết thúc thi đấu lẫn trong lễ trao giải.

Tới năm 2021, nghiên cứu này được giáo sư thần kinh học William Hedgcock mở rộng thêm. Ông sử dụng phần mềm phân tích biểu cảm của hơn 400 vận động viên trong các Thế vận hội từ năm 2000 đến 2016. Tổ nghiên cứu còn kết hợp xem phỏng vấn họ trước và sau trận đấu, cũng như dự đoán của truyền thông và giới chuyên môn về thành tích của họ.

Kết quả tương đồng với những nghiên cứu trước đó, là vận động viên giải ba lạc quan hơn những người giải nhì. Nhưng nghiên cứu này đã tìm ra nguyên nhân đằng sau: người giải nhì nhìn nhận nó là mất mát thay vì thành tựu.

28dec2022intext1jpg
Nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình, nhìn lên thì… vẫn thua 1 người.

Theo lý thuyết triển vọng (prospect theory) của Amos Tversky và Daniel Kahneman, con người vốn nhạy cảm với mất mát. Vì vậy, người giải nhì chỉ tập trung vào khía cạnh họ “mất” huy chương vàng, mà không nhận ra họ cũng đạt thành tích cao hơn đa số đối thủ còn lại.

Trong khi đó, người giải ba lại so sánh với những người có thành tích thấp hơn, và cho rằng việc họ đạt giải đã là thành công lớn so với số đông. Điều này đặc biệt đúng với những cá nhân hoặc đội tuyển không được nhìn nhận là có thế mạnh (như trường hợp của đội tuyển Morocco - đất nước không được coi là mạnh về bóng đá).

“Giá mà mình cố gắng thêm chút nữa”

Câu nói trên đã đúc kết định nghĩa về suy nghĩ đối lập (counterfactual thinking). Hiện tượng này xảy ra khi chúng ta tạo ra những cái kết khả thi khác cho một sự kiện đã xảy ra, và thường cái kết này đối lập với kết quả đã có.

Vì nuối tiếc giải nhất, vận động viên giải nhì thường suy nghĩ một cách ám ảnh về quá khứ theo lối tư duy này. Tâm lý “xém chút nữa là được” khiến họ cảm giác mình vẫn chưa hoàn thành mục tiêu, từ đó mong muốn thay đổi được quá khứ hoặc có thể “phục thù” ở giải đấu khác trong tương lai.

Chính cảm giác dở dang này kích hoạt hiệu ứng Zeigarnik, khiến họ bồn chồn và day dứt. Vì vậy khi bước lên bục nhận giải, tinh thần họ không thể thoải mái như người đạt giải nhất và giải ba. Đây chính là lý do người giải nhì ít cười, thậm chí căng thẳng dù đạt thành tích cao.

Tự trách bản thân khi thành tích không như kỳ vọng

Với các vận động viên có điểm kiểm soát tâm lý nội tại, họ tin rằng kết quả xảy ra đều đến từ những yếu tố tự quyết như khả năng, hành động hay lỗi lầm. Dù kết quả có như ý hay không, họ đều có xu hướng suy nghĩ về nó một cách ám ảnh.

Theo chuyên gia tâm lý David Gershaw, kỳ vọng của những người xung quanh có ảnh hưởng lớn đến điểm kiểm soát tâm lý. Càng được kỳ vọng nhiều, điểm kiểm soát của bạn càng dịch chuyển theo hướng nội tại. Bạn mang “trách nhiệm” này đặt lên vai mình. Vậy là dù kết quả có thế nào, bạn cũng quy toàn bộ nguyên nhân về phía mình.

Như vậy là nếu đạt giải nhì, vận động viên sẽ cho rằng do năng lực mình kém cỏi hoặc bản thân đã không cố gắng hết sức. Họ hoàn toàn không tính đến những yếu tố khác ngoài tầm kiểm soát, như đối thủ có thể lực nhỉnh hơn hoặc không bị áp lực/kỳ vọng quá lớn, từ đó mang tâm lý thoải mái hơn.

Làm sao để vượt qua tâm lý ức chế này?

Theo chuyên gia kinh tế John List chia sẻ trên Times, tâm lý “xém nữa thì được” nhìn chung sẽ biến mất theo thời gian. Tuy nhiên nó cũng có thể gây trầm cảm, bức bối hoặc hoài nghi năng lực bản thân. Trong trường hợp này, bạn có thể đi tham vấn để dịch chuyển điểm kiểm soát tâm lý, hoặc biến tư duy ám ảnh về quá khứ thành động lực để cố gắng hơn trong tương lai.

28dec2022intext2jpg
Khi thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, bạn sẽ vui vẻ hơn với thành tích về nhì.

Một phương pháp đơn giản bạn có thể áp dụng là nghịch lý Solomon - hiện tượng xảy ra khi chúng ta giải quyết vấn đề của người khác tốt hơn của bản thân. Theo đó, bạn nên tách bản thân khỏi vấn đề để nhìn nhận nó trong bức tranh toàn cảnh hơn.

Cách này sẽ giúp bạn nhận ra bản thân đã cố gắng hết sức, và nhìn thấy cả những yếu tố ngoài tầm kiểm soát khác ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc. Dù gì thì khi đạt giải nhì, bạn vẫn hơn đa số các “đối thủ” khác trên sàn đấu hay trong lớp học.