Vào năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Eminem nói rằng anh ấy chưa bao giờ quên tuổi thơ bị những đứa trẻ lớn hơn trong trường tấn công, bị đánh trong nhà vệ sinh và đẩy vào tủ đựng đồ. Điều tương tự cũng đã xảy ra với Elon Musk, Lady Gaga, hay công nương Kate Middleton, khi cô ấy bị bắt nạt chỉ vì “có vẻ ngoài nhẹ nhàng và dễ mến”.
Bạo lực học đường là câu chuyện không mới dù ở quốc gia nào hay thời đại nào. Không chỉ học sinh, giáo viên đôi khi cũng có thể trở thành người bị bắt nạt.
Chúng ta được dạy rằng trường học là nơi đặt nền móng cho hành trình trưởng thành, hay những năm tháng đi học luôn vô tư, đẹp đẽ và đáng nhớ nhất. Nhưng nếu chúng trôi qua trong sợ hãi và để lại chấn thương tâm lý lâu dài, có thể làm gì để điều đó không tiếp diễn với những thế hệ tiếp theo?
Bạo lực học đường - Chuyện không mới
Năm 2018, khi World Vision thực hiện Điều tra Quốc gia về bạo lực học đường tại Việt Nam, báo cáo ghi nhận 57,8% trẻ em đã phải trải qua bạo lực tại trường học. Nghĩa là cứ 2 đứa trẻ đến trường sẽ có một em bị bắt nạt.
Trong một năm học, có tới 1600 vụ học sinh đánh nhau. Chia nhỏ con số này ra, mỗi ngày có 5 lần các học sinh tấn công bạn học của mình. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì bạo lực không chỉ có một hình dạng duy nhất là tấn công trực tiếp. Có nhiều cách để bạo hành một người ngay cả khi không hề đụng vào họ.
Những chấn thương tâm lý khi còn nhỏ sẽ thay đổi cách não bộ của trẻ phát triển, để lại những vết sẹo khó lành, kể cả khi ta trở thành người lớn. Mạch não của một đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc ngược đãi sẽ thích nghi theo một hướng khác so với đứa trẻ lớn lên trong môi trường an toàn.
Vì vậy, một môi trường giáo dục lành mạnh phải là nơi mà mỗi cá nhân trong đó, dù là học sinh hay giáo viên, đều cần được cảm thấy an toàn để thực hiện sứ mệnh và theo đuổi mơ ước của mình.
“Lớp học vui” mang tới những hy vọng gì?
Một lớp học vui vẻ trước hết phải là một lớp học an toàn. Ở đó, học sinh được hiểu về tình yêu thương cũng như cách thể hiện tình yêu thương với bạn bè mình. Chúng cũng sẽ được dạy về những việc mình làm có thể gây ra đau đớn cho người khác, cách nhận biết bản thân đang bị bắt nạt và cách tự bảo vệ bản thân.
Năm 2017, World Vision bắt đầu năm đầu tiên của dự án “Lớp học vui | Hope in Class”. Chiến dịch bền bỉ kéo dài 5 năm được xây dựng để trang bị cho trẻ em các kỹ năng giao tiếp ôn hoà và giúp nuôi dưỡng các thói quen tích cực. Đó là cách bày tỏ cảm xúc, lắng nghe chủ động, tìm giải pháp chung dựa trên tình yêu thương và sự thấu hiểu.
“Chúng tôi muốn khuyến khích các em hiểu, trân trọng và sẻ chia các giá trị tốt đẹp như tinh thần đoàn kết, lòng kiên nhẫn, và sự tôn trọng lẫn nhau” - Bà Thân Thị Hà – Giám đốc Vận hành các chương trình của World Vision Việt Nam chia sẻ.
“Lớp học vui | Hope in Class’ được thiết kế và phát triển với niềm tin rằng mỗi chúng ta đều có thể đóng góp sức mình nhằm mang lại một môi trường học tập an toàn, tràn đầy tình yêu thương nơi mọi trẻ em được lớn lên mà không phải trải nghiệm sự sợ hãi và bạo lực.” Cho đến nay, hơn 10,000 học sinh ở 40 trường tại Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng đã được đón nhận “Lớp học vui | Hope in Class”.
Không chỉ học sinh, những người lớn xung quanh cũng cần hiểu về bạo lực học đường, bởi cách hành xử của cha mẹ khi đối diện với bạo lực sẽ tác động rất lớn đến tâm lý và hành vi của những đứa trẻ.
Trong dự án “Lớp học vui | Hope in Class”, thầy cô giáo và cha mẹ cũng tham gia vào điệu nhảy lớp học, kết nối tình yêu thương của lớp học thông qua giai điệu vui vẻ.
Các chuyên gia của World Vision cùng thảo luận, cung cấp và cải thiện các kỹ năng làm cha mẹ tích cực, cách trò chuyện và đồng hành cùng trẻ em khi là nạn nhân của bạo lực học đường, đặc biệt khi đối diện với thái độ, hành vi tiêu cực của chúng.
Orion đồng hành cùng “Lớp học vui”
Đồng hành cùng World Vision trong dự án “Lớp học vui” từ năm 2020, ông Kim Jae Sin, Tổng giám đốc Orion Food Vina cho biết: “Trẻ em có quyền được nhận nền giáo dục chất lượng cao trong một môi trường học đường an toàn hơn”.
Với ngân sách gần 5 tỷ đồng đi cùng dự án từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2022, Orion mang những sản phẩm đã trở thành người bạn thân thiết của trẻ nhỏ Việt Nam đến với dự án Lớp học vui, để cùng chung tay thúc đẩy bảo vệ trẻ em và chấm dứt bạo lực học đường”.
Trong suốt 25 năm có mặt tại Việt Nam, bên cạnh nỗ lực bản địa hóa sản phẩm, Orion thực hiện những hoạt động cộng đồng ý nghĩa, phần lớn gắn liền với trẻ nhỏ, truyền tải sự thân thiện, yêu thương và niềm vui.
Nếu bạn còn nhớ, đây là một trong những quảng cáo ấn tượng và được nhắc đến nhiều nhất của Orion, được phát sóng lần đầu tiên năm 2008. Ngay cả khi chưa ăn Chocopie, bạn cũng vẫn sẽ biết giai điệu “Orion là Chocopie, Chocopie là Orion”.
Ông Lee Kyung Jae – Tổng giám đốc Orion Việt Nam khi đó cho biết: “Chúng tôi xác định đối tượng của Chocopie là trẻ nhỏ. Chính vì thế Orion lấy trẻ nhỏ làm nhân vật chính cho quảng cáo của mình”.
Tinh thần nhân văn vẫn luôn được thực hiện xuyên suốt và nhất quán trong tất cả sản phẩm, thông điệp hay những dự án cộng đồng của Orion tại Việt Nam. Điển hình là những hoạt động hỗ trợ các quỹ vacxin trong Covid-19 hay gần đây nhất là dự án “Hỗ trợ Khoai tây Quê hương Việt Nam’ trong sáu năm liên tiếp. Khoai tây ngon của người dân địa phương được thu mua để sản xuất các sản phẩm bánh của Orion. Dự án đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em, và nâng cao thu nhập của nông dân trồng khoai tây ở miền Bắc Việt Nam và Đà Lạt.